Một năm qua, lĩnh vực KH-CN có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạch định chính sách, chiến lược, hợp tác quốc tế và có cả những “ồn ào” riêng của nó. Báo SGGP bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu trong năm với kỳ vọng năm 2013, lĩnh vực này sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn tạo sức bật cho sự phát triển đi lên của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
1. Nhiều quyết sách cho KH-CN
Ngày 1-11-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, KH-CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới…
Tại TPHCM, dự kiến đến đầu năm 2013 sẽ thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu theo hình thức khoán trọn gói cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, cơ chế này đã được Sở KH-CN TP khởi động và thống nhất thông qua trong năm 2012. Đặc biệt, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng đã trình Luật KH-CN sửa đổi với nhiều giải pháp mang tính đột phá.
2. Khu Công nghệ cao TPHCM tròn 10 tuổi
Ngày 24-10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển. Đến nay, SHTP đã thu hút được 66 dự án đầu tư, với tổng vốn đạt 2,2 tỷ USD, trong đó có 33 dự án FDI với vốn đầu tư 1,78 tỷ USD và 33 dự án trong nước với vốn 430 triệu USD.
Dịp này, Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đã đăng cai hội nghị thường niên Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á lần thứ 16 với chủ đề “Công viên khoa học và kinh tế xanh”. Đây là sự kiện lớn nhất của Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, thu hút hơn 144 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
3. Máy phát điện chạy bằng nước
Đầu năm 2012, TS Nguyễn Chánh Khê đã tuyên bố chế tạo thành công máy phát điện chạy bằng nước. Ngay sau đó nhiều dư luận, nhất là trong giới khoa học đặt ra hàng loạt câu hỏi về “phát minh” này. Thế nhưng sau nhiều cuộc họp, hợp chất đặc biệt (tác giả gọi là chất xúc tác A) có tác dụng phản ứng với nước tạo hydro tiếp tục được TS Nguyễn Chánh Khê giữ bí mật hoàn toàn và xem đây là “bí quyết công nghệ”. Chính điều này tiếp tục tạo ra dư luận trái chiều trong giới khoa học. Đầu tháng 3, Khu Công nghệ cao TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học để thẩm định công nghệ đồng thời cho phép sản xuất thử nghiệm bước đầu tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Nếu nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, sẽ giải quyết được bài toán năng lượng cho toàn thế giới... nhưng đến nay mọi chuyện có lẽ chỉ khiến giới khoa học nhớ đến những dư luận với “phát minh” của TS Nguyễn Chánh Khê.
4. Nhiều vụ cháy “bất thường”
Giữa tháng 4-2012, trong nhà bé Th. (tại số nhà A75 Bạch Đằng, P2, Q.Tân Bình, TPHCM) có hiện tượng chập điện, các cầu dao nguồn bị cúp liên tục. Sau đó hiện tượng hỏa hoạn “bí ẩn” liên tiếp xuất hiện ở những nơi mà bé Th. có mặt. Ngay sau đó, Trung tâm Cảm xạ địa sinh học (thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng); Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã đến nhà bé Th. để tìm hiểu. Liên hiệp Khoa học UIA và Viện Hình sự (Bộ Công an) cũng đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ việc nhưng vẫn chưa có kết quả. Còn cô bé tên Th. cũng mất khả năng “gây cháy” sau đó không lâu. Trước đó, từ cuối năm 2011 đến gần hết năm 2012, cháy nổ xe máy không rõ nguyên nhân liên tục xảy ra, gây tâm lý hoang mang cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
5. 15 năm Internet có mặt tại Việt Nam
Tháng 12-1997, Internet chính thức được cung cấp dịch vụ tại VN. Sau 15 năm phát triển, Internet đã chuyển mạnh từ hình thức quay số sang băng rộng và liên tục đạt tốc độ tăng trưởng ở mức bùng nổ. Trong giai đoạn 1997 - 2003, VN mới chỉ có khoảng 1,8 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số lúc bấy giờ). Tuy nhiên với thời kỳ băng rộng hữu tuyến, đánh dấu bằng sự ra đời của dịch vụ ADSL (5-2003), lần lượt đã có tới 19 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hơn 31,1 triệu người dùng. Dịch vụ 3G (10-2009) đã đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến với hơn 16 triệu người sử dụng (18% dân số VN).
6. Khởi công Trung tâm vũ trụ Việt Nam
Ngày 19-9, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, với tổng nguồn vốn 54,4 tỷ yên (gần 700 triệu USD), trong đó nguồn vồn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm 46,5 tỷ yên. Đây là một trong những dự án lớn về KH-CN của Việt Nam trong 30 năm qua, không chỉ khởi đầu cho bước tiến mới trong lịch sử ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam mà còn khởi đầu cho hợp tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và sẽ là Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
7. Lần đầu tôn vinh tài năng trẻ KH-CN
Từ ngày 7 đến 10-11, Trung ương Đoàn cùng Bộ KH-CN đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ KH-CN Việt Nam 2012. Chương trình là diễn đàn gặp mặt của 250 đại biểu toàn quốc, gồm 181 tài năng trẻ KH-CN có thành tích đặc biệt xuất sắc, có quá trình cống hiến, có công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao, giải pháp sáng tạo… và 69 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác tài năng trẻ của các tỉnh, thành. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ và tôn vinh với quy mô toàn quốc các tài năng trẻ KH-CN, qua đó cổ vũ các tài năng trẻ Việt Nam dấn thân trong nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng KHCN vào cuộc sống.
8. Hạ thủy nhiều tàu quân sự Made in Vietnam
Ngày 23-10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, Nhà máy Z189 và hãng DAMEN đã thực hiện lễ hạ thủy tàu DN 2000 mang phiên hiệu CSB 8001. Đây là tàu Cảnh sát biển lớn nhất được Việt Nam tự đóng mới. CSB 8001 đạt tiêu chuẩn châu Âu với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu quân sự Việt Nam từ trước tới nay.
Tàu Khánh Hòa HQ561 nặng 2.200 tấn được Nhà máy Z189 đóng mới cũng được hạ thủy. Tàu HQ561 là tàu vận tải tổng hợp kiêm quân y đầu tiên của Việt Nam. Nhiệm vụ chính của tàu này là chuyển lương thực thực phẩm, nước ngọt cho lính đảo, nhà giàn DK1 và ngư dân. HQ561 còn là bệnh viện di động khi được trang bị đầy đủ thiết bị y tế như phòng chụp X-quang, phòng mổ, phòng nội soi, siêu âm, phòng chẩn đoán, phòng khám bệnh răng hàm mặt, phòng hậu phẫu… và phòng điều áp.
9. Thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển ngành vi mạch
Ngày 18-5, UBND TPHCM có Quyết định số 2519-QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển vi mạch (chip điện tử) trên địa bàn TPHCM. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xác định phương hướng hoạt động và kế hoạch của chương trình phát triển vi mạch, chỉ đạo triển khai cũng như theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc thuộc chương trình trên. Việc thành lập ban chỉ đạo có ý nghĩa hết sức đặc biệt, nhất là khi TPHCM đã thống nhất chủ trương phát triển ngành công nghiệp vi mạch thành phố. Theo đó đến năm 2017, ngành vi mạch TPHCM sẽ có doanh số khoảng 150 triệu USD, đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, ươm tạo khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch.
10. Hợp tác chế tạo máy bay không người lái
Vào tháng 11-2012 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo và lễ ký kết hợp tác chế tạo máy bay không người lái (UAV) tại Việt Nam do Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam (VASA) và Tập đoàn sản xuất máy bay không người lái - Thụy Điển (UMS) phối hợp tổ chức. Hiện nay, tại Việt Nam, UAV có thể sử dụng vào các mục đích: Tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện các đám cháy; bảo vệ các cánh rừng cao su và cà phê; chụp ảnh trên không, lập bản đồ, khảo sát giám sát đường cao tốc; giám sát bảo vệ biển đảo, phục vụ các nhiệm vụ cho hải quân Việt Nam… UAV có ưu điểm không phụ thuộc vào tâm sinh lý của phi công; chi phí thấp hơn máy bay có người lái hàng trăm lần; độ phân giải cao hơn; giá thành rẻ cho mỗi bức ảnh được chụp; thực hiện trong những điều kiện phi công không thể làm được…
Ban Khoa Giáo