10% trẻ tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng vẫn mắc bệnh

Trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước đã ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc thủy đậu. Đáng chú ý, có không ít trường hợp trẻ nhỏ đã được tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng vẫn bị mắc.
10% trẻ tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng vẫn mắc bệnh

(SGGPO). - Trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước đã ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc thủy đậu. Đáng chú ý, có không ít trường hợp trẻ nhỏ đã được tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng vẫn bị mắc.

10% trẻ tiêm ngừa vaccine thủy đậu nhưng vẫn mắc bệnh ảnh 1

Trẻ bị mắc thủy đậu



Ngày 1-4, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước đã ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc thủy đậu Trong đó, các tỉnh có số mắc cao là Nghệ An, Hà Nội, Thái bình, Yên Bái, Lâm Đồng, Kon Tum. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc thủy đậu trong 3 tháng qua giảm tới gần 70%. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, mặc dù số trường hợp mắc thủy đậu giảm mạnh nhưng thực tế, số mắc còn cao hơn so với thống kê báo cáo vì đây là bệnh truyền nhiễm lành tính, trẻ khi mắc thường được cách ly, điều trị tại nhà nên chưa thống kê được đầy đủ.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, trong thời gian tới, số trường hợp mắc sẽ tăng lên vì thủy đậu thường xảy ra vào mùa đông xuân. Hơn nữa, thủy đậu dễ lây truyền qua dịch của mụn nước trên da và có tính cảm nhiễm cao. Khi mắc thủy đậu, người bệnh mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai bị mắc thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Đáng chú ý, trước những băn khoăn của nhiều gia đình khi cho biết, trẻ nhỏ dù đã được tiêm phòng vaccine nhưng vẫn bị mắc thủy đậu, PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích, khi tiêm vaccine phòng thủy đậu, hiệu lực cao cũng chỉ 90% số trẻ có tiêm vaccine được bảo vệ, còn 10% là không miễn dịch với vaccine. Vì thế những trẻ đã tiêm ngừa vaccine mà vẫn bị thủy đậu là nằm trong số 10% không có miễn dịch với vaccine.

Bệnh thuỷ đậu, còn được gọi là bệnh phỏng rạ (ở miền Bắc), bệnh trái rạ (ở miền Nam) do virus Varicella zoster gây ra và do tiếp xúc với người bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở các đô thị, nơi đông dân, nhất là lúc giao mùa. Tuổi mắc nhiều nhất là 2-7 tuổi.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục