1.157 kiến nghị cử tri gửi Quốc hội - “Nóng” các vấn đề dân sinh

Hôm qua 19-5, một ngày trước khi Quốc hội (QH) khai mạc, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã công bố báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XII. Đã có 1.157 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH với 6 nhóm vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.

Nhân dân và cử tri nhiều nơi rất bức xúc trước việc ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều ngư dân. QH, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Về việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, cử tri cho rằng, việc kiểm soát giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền các mặt hàng thiết yếu của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Giá điện, giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Tiến độ và lộ trình cải cách tiền lương không theo kịp với tốc độ tăng giá trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người về hưu, người hưởng lương từ ngân sách.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, có cơ chế phù hợp để nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn phát triển sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.  

Chất lượng giáo dục còn thấp, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, tồn tại nhiều trường đại học kém chất lượng cũng là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Vấn đề bạo lực học đường, xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ; nạn bạo hành đối với trẻ em, thái độ vô cảm của nhiều người đang là nỗi lo của xã hội mà báo chí phản ảnh trong thời gian qua cũng được cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục.

Công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên - môi trường, việc một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Dương… cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng… để trồng cây công nghiệp, làm sân golf, sòng bạc trong khi người dân ở những nơi đó còn thiếu đất sản xuất và công ăn việc làm là mối quan tâm lớn của cử tri.

Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã ra quyết định đình chỉ việc này ở các địa phương nói trên nhưng tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có vi phạm, sớm có các giải pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị QH tăng cường giám sát về vấn đề này.

Cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tham nhũng vẫn diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng các cơ quan chức năng phát hiện còn ít.

Việc tổ chức các lễ hội, việc trao tặng các danh hiệu, các loại cúp cho các doanh nghiệp không được quản lý chặt chẽ, gây lãng phí tiền của, thời gian. Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục