(SGGPO).- Ngày 29-8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn với kinh phí dự kiến hơn 13 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 3 năm.
Đây là một trong những di tích hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 8km về hướng Đông, cầu ngói Thanh Toàn bắc qua sông Như Ý (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có hình cầu vồng bằng gỗ dài 17m, rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can lưng tựa.
Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly, có tráng men, thường chỉ sử dụng trong các công trình kiến trúc dành cho vua quan.
Cầu Thanh Toàn xây dựng theo lối kiến trúc trên nhà, dưới cầu. Ảnh: MINH ANH
Các bậc cao niên ở xã Thủy Thanh cho biết, vào khoảng năm 1776 có một người cháu gái thuộc thế hệ thứ 6 của họ Trần đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để nhân dân trong vùng tiện bề qua lại. Vừa khỏi phải dùng đò ngang vừa có chỗ nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè hay những đêm trăng sáng. Cầu còn là nơi cho lữ khách cùng người tha phương cầu thực có chỗ tạm dừng chân khi lỡ bước giữa đường.
Cầu ngói gắn liền với tổng thể không gian làng Thủy Thanh trong đó bao gồm cả hệ thống nhà thờ họ, đình chùa, nhà vườn có kiểu kiến trúc và bài trí khá đặc sắc. Cách cầu ngói khoảng 5km còn có đình làng Vân Thê, nhà thờ Tôn Thất Thuyết - một di tích lịch sử cách mạng.
Trải qua hơn 2 thế kỷ, cầu ngói Thanh Toàn nhiều lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân địa phương đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó. Đặc biệt, kể từ khi cầu được Bộ Văn hóa nay là Bộ VH-TT-DL cấp bằng công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1990 thì số lượng khách du lịch đến với cầu ngói Thanh Toàn ngày càng tăng, vào mùa cao điểm (từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) mỗi ngày có gần 200 lượt khách (chủ yếu là khách quốc tế) đến tham quan; vào mua thấp điểm, trừ những ngày mưa lũ, số lượng khách cũng lên đến gần 100 lượt.
Tem bưu chính 3 cây cầu ngói tại Việt Nam do Bộ TT-TT phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam phát hành và ra mắt tại Festival Huế 2012. Ảnh: VĂN THẮNG
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), để triển khai dự án xây dựng một mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng tại xã Thủy Thanh - địa phương chủ sở hữu cây cầu ngói Thanh Toàn.
Dự án với mục đích khai thác tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa vùng nông thôn xã Thủy Thanh nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng; đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế lấy ngành dịch vụ làm trọng tâm; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, giải quyết vấn đề lao động và đem lại thu nhập cao.
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo chủ trương phê duyệt thì dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn do Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư.
Dự án triển khai thực hiện với các hạng mục như: Hạ giải công trình, đánh giá cụ thể các cấu kiện, đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định và nguyên tắc bảo tồn; Gia cố nền móng công trình; Phục hồi hạng mục với yêu cầu tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc; Bố trí điện chiếu sáng, trang trí cho công trình...
Đặc biệt, phương án thiết kế phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và so sánh, đối chứng, đánh giá với hồ sơ khoa học, bản vẽ kỹ thuật của di tích đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận nhằm bảo tồn các yếu tố gốc gắn liền với công trình (hệ kết cấu khung chính và các cấu kiện không đảm bảo về yêu cầu chịu lực; hệ ván lát sàn; hệ mái lợp ngói âm ống men thanh lưu ly; hệ trang trí bờ mái, bờ nóc, bờ quyết, ô hộc; toàn bộ màu sắc tổng thể công trình; hai câu đối khảm sành sứ ở đầu cầu).
VĂN THẮNG