Một vụ kiện đòi nợ đơn giản, bản án phúc thẩm không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật từ hơn 14 năm qua, thế nhưng đến nay người thắng kiện trong vụ án vẫn phải mòn mỏi chờ đợi, không biết tới khi nào mới có thể lấy lại được số tiền gần 220 triệu đồng. Tất cả chỉ vì sự tắc trách của cơ quan thi hành án dân sự quận Gò Vấp.
Xử lý chậm
Tháng 5-1997, tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên buộc bà Phan Thị Năm và ông Nguyễn Mạnh Cường có trách nhiệm trả cho ông Võ Văn Thanh số tiền gần 220 triệu đồng (gồm vốn và lãi vay). Để đảm bảo cho việc thi hành án, tòa án đã tuyên phát mãi nhà và đất của bà Năm tại số 88/964 đường 26 Tháng 3, phường 17, quận Gò Vấp.
Sau khi án có hiệu lực, do bà Năm và ông Cường không tự nguyện thanh toán tiền nợ nên Đội thi hành án quận Gò Vấp (nay là Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp) ra quyết định cưỡng chế thi hành án và ngày 2-10-1997 tiến hành kê biên nhà đất nói trên. Tại thời điểm này, Hội đồng thi hành việc cưỡng chế xác định và lập biên bản về việc bà Năm đã tự ý phân lô đất thành nền nhà và bán cho 2 người khác từ năm 1996, giấy tờ đang ở giai đoạn được UBND quận Gò Vấp làm tờ trình gửi UBND TPHCM nhưng vẫn chưa được giải quyết. Phần diện tích đất còn lại ông Cường cũng đã bán hết cho người khác.
Theo luật định, trước tình huống này lẽ ra cơ quan thi hành án quận Gò Vấp phải phát hành ngay văn bản gửi UBND các cấp để ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Năm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Đội thi hành án lại chỉ gửi công văn cho Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) quận Gò Vấp để đề nghị nơi đây “xem xét và có biện pháp xử lý”.
Ngày 8-10-1997 Viện KSND quận Gò Vấp mượn hồ sơ thi hành án vụ việc trên để “nghiên cứu”. Đến đây, mọi việc chìm vào quên lãng, hồ sơ ấy nằm im tại Viện KSND quận cho tới gần 4 năm sau, khi ông Thanh khiếu nại và Viện KSND TPHCM hỏi đến, Đội thi hành án quận Gò Vấp mới “sực nhớ” và nhận lại hồ sơ.
Tháng 4-2001 Viện KSND TPHCM có công văn 68/KS-THA nêu rõ: Kết quả xác minh từ cơ quan chức năng cho thấy toàn bộ các hộ được bà Năm chuyển nhượng đất đều chưa được UBND TPHCM cấp quyết định giao đất, cho nên có đủ cơ sở xác định tổng diện tích 893m² đất vẫn thuộc quyền sử dụng của bà Phan Thị Năm. Vì vậy, cơ quan thi hành án vẫn có quyền kê biên để phát mãi thi hành án theo quy định của pháp luật.
Giậm chân tại chỗ
Dù trước đây chính mình đề nghị ngành kiểm sát xem xét biện pháp xử lý vụ việc, nhưng đến khi có văn bản hướng dẫn nói trên Đội thi hành án quận Gò Vấp lại đủng đỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Phòng thi hành án TPHCM (nay là Cục thi hành án dân sự TPHCM). Công văn trả lời của Phòng thi hành án chỉ đạo rất rõ: “Yêu cầu Đội thi hành án quận Gò Vấp tiến hành kê biên tài sản là nhà, đất của bà Phan Thị Năm để thi hành án”. Vậy mà phải đến hơn 1 tháng sau - ngày 20-6-2001 Đội thi hành án Gò Vấp mới có báo cáo để… tiếp tục thỉnh thị ý kiến của cấp trên.
Theo Đội thi hành án Gò Vấp, bà Năm vẫn chưa có điều kiện kinh tế để thi hành án. Bởi lẽ 6 hộ mua đất cho biết do khi chuyển nhượng, xác lập tờ trình từ phường đến quận không thấy có tranh chấp nên đã giao đủ tiền cho bà Năm và tiến hành xây cất nhà ở thuộc dạng kiên cố như hiện nay. Như vậy, chính từ việc cơ quan thi hành án không phát hành văn bản ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất nên từ 2 căn nhà phát hiện vào thời điểm thực hiện cưỡng chế kê biên (tháng 10-1997) đến nay bà Năm đã bán trái phép đến 6 căn.
Sau khi rút hồ sơ lên nghiên cứu, tháng 7-2001 Phòng thi hành án TPHCM có văn bản chỉ đạo nghiệp vụ số 1172/THA nêu rõ: “Đội thi hành án quận Gò Vấp cần khẩn trương kê biên toàn bộ 893m² đất của bà Phan Thị Năm để đảm bảo thi hành án. Mặc dù diện tích đất nói trên có giá trị lớn hơn so với số tiền phải thi hành án, nhưng cơ quan thi hành án vẫn cần kê biên toàn bộ diện tích đất để theo đúng nội dung bản án, quyết định của tòa án.
Trong quá trình kê biên, nếu phát sinh tranh chấp thì hướng dẫn các đương sự khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự”. Phải đến lúc này khi cơ quan cấp trên đã “cầm tay chỉ việc” rất cụ thể như thế, Đội thi hành án quận Gò Vấp mới phát hành văn bản 175 (ngày 2-8-2001) gửi các cơ quan chức năng của quận và thành phố để ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đối với lô đất nói trên của bà Năm. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
TRI TÂM