15 năm nuôi mẹ người ta

Chúng tôi ghé lại làng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam vào buổi chiều muộn của một ngày giáp tết. Trên con đường hẹp đầy những ổ gà, đi đến đâu cũng nghe người dân nói về một phụ nữ hơn 15 năm qua nuôi cụ già neo đơn, bệnh tật. Đó là cô Nguyễn Thị Kim Long (48 tuổi), làm nghề xay bột nghệ ở thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
15 năm nuôi mẹ người ta

Chúng tôi ghé lại làng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam vào buổi chiều muộn của một ngày giáp tết. Trên con đường hẹp đầy những ổ gà, đi đến đâu cũng nghe người dân nói về một phụ nữ hơn 15 năm qua nuôi cụ già neo đơn, bệnh tật. Đó là cô Nguyễn Thị Kim Long (48 tuổi), làm nghề xay bột nghệ ở thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Cô Long sinh ra và lớn lên ở xã Bình Quế nhưng lấy chồng và làm dâu ở xã Bình Quý đã 24 năm. Cũng khoảng thời gian đó, cô là người chứng kiến cuộc sống khó khăn của cụ Nguyễn Thị Thiệt, 92 tuổi, người hàng xóm của cô.

Theo cô Long, những năm trước, cụ Thiệt sống trong một túp lều. Cụ từng có chồng con, từng có một mái ấm hạnh phúc như bao người khác nhưng thật oái ăm khi tất cả đều mất sớm, để cụ ở lại một mình, không người thân thích. Cụ lang thang nơi đầu đường xó chợ, sống qua ngày bằng việc đi mót rau, mót lúa. Cho đến năm 1997, sau quãng thời gian lăn lộn mưu sinh, cụ mắc bệnh ở vùng kín, vì không có tiền chữa nên bị lở loét, mắt cụ thì trở nên mù lòa, lưng cụ ngày một cong lại… Thương tình, cô Long đã kêu gọi bà con xóm giềng chung tay góp sức, xây cho cụ một gian nhà tạm bợ, đủ chứa một chõng tre và chiếc bàn cũ kỹ.

Cô Long hàng ngày vẫn chăm lo từng bữa ăn cho cụ Thiệt như chính mẹ đẻ của mình.

Cô Long hàng ngày vẫn chăm lo từng bữa ăn cho cụ Thiệt như chính mẹ đẻ của mình.

Từ dạo đó, vợ chồng cô Long đứng ra lo cho cụ Thiệt việc ăn uống, tắm giặt. Một ngày đều đặn 3 bữa cơm, đó là chưa kể việc lo trầu cau, nước chè và cả việc lau chùi, thay áo quần cho cụ. Nhắc đến chuyện này, cô Long kể: “Cứ sáng ra là phải chuẩn bị một ca nước trà nóng để sẵn, chứ không là cụ kêu chí chóe bên này. Nhiều khi bận quá, chưa kịp mang qua thì cụ đã leo xuống giường quờ quạng tìm nước”. Ngoài việc săn sóc, lo cho cụ ăn uống, cô Long cũng thường nhắc chồng mình qua trò chuyện với cụ những khi rảnh rỗi. Cô bảo: “Ba mẹ tôi mất sớm, trước giờ có ba mẹ ruột để chăm lo mô. Mẹ chồng lại không sống cùng, nên ngoài việc ở nhà xay nghệ bán, có bao nhiêu thời gian, tôi dành chăm sóc cụ Thiệt. Nhiều người kêu chắc kiếp trước chúng tôi có duyên nợ gì, mà cũng chẳng biết, tới đâu hay tới đó chứ biết sao giờ”.

Thời gian gần đây sức khỏe cụ Thiệt không ổn, vậy là hai vợ chồng cô Long lại kêu y tá đến tiêm thuốc. Số tiền trợ cấp 180.000 đồng mỗi tháng cho cụ Thiệt trở nên nhỏ bé biết bao nhiêu trong những lúc cụ trở bệnh. Ấy vậy mà những bát cháo nóng hổi, miếng trầu cau, bình nước chè ấm nóng vẫn đầy đủ cho cụ dùng. Cô Long cho biết, dạ dày cụ Thiệt đã yếu, nên nhiều khi mua sữa về cho cụ uống lại gây họa cái bụng của cụ; muốn cho cụ ăn cái gì ngon ngon cũng phải cân nhắc và chạy đi hỏi y tá trong làng.

Ngày ngày, cụ Thiệt lại ngồi trước nhà nhìn ra phía đường chỉ để nghe những thanh âm cuộc sống. Nhiều người bảo chắc cụ đang ngồi đong đếm khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời mình. Hàng xóm cũng có qua lại thăm, nhưng ít ai đến gần vì sợ lây bệnh. Chỉ có cô Long, người duy nhất đến lo cho cụ từng miếng ăn, cái mặc. Khi chúng tôi băn khoăn về việc sao không đưa cụ vào viện dưỡng lão, cô ngậm ngùi chia sẻ: “Thực ra tôi cũng không am hiểu nhiều về những chuyện này. Thời gian gần đây cũng có nghe cán bộ xã cân nhắc và nói với vợ chồng tôi. Mà đã hơn 15 năm nuôi cụ rồi, giờ đưa cụ đi cũng tội lắm. Cứ để cụ ở đây, tôi lo được ngày nào hay ngày nấy chứ không đưa đi mô hết”.

Trong cái làng nhỏ bé và tối tăm ấy, tưởng rằng cái nghèo sẽ làm cho con người ta trở nên thờ ơ với những gì đong đếm bằng vật chất. Thế nhưng không, chính cô Long đã giúp chúng tôi hiểu được rằng, lòng tốt như những bụi vàng, vẫn luôn lấp lánh, lóe sáng trong bất kỳ ai - những bụi vàng được dâng tặng vô điều kiện chỉ với mong muốn mang lại điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời. 

VÕ THỊ NHƯ TRANG

Tin cùng chuyên mục