* Không phát triển thêm cảng biển ở Cát Lái
Cụ thể, dự án thứ nhất: nạo vét hai tuyến rạch Môn - sông Kinh, rạch Bà Đa - rạch Giáng, quận 9 và xây dựng cầu Cây Me trên đường Long Thuận, cầu Đình trên đường Long Thuận nối dài theo hình thức đối tác công tư hợp đồng BT (xây dựng, chuyển giao); với tổng mức đầu tư khoảng 868 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2019. Dự án thứ hai: nạo vét tuyến sông Tắc, quận 9 và xây dựng mới cầu Trường Phước (thay thế cầu cũ trên đường Long Thuận) cũng theo hình thức đối tác công tư hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư khoảng 1.174 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2017 - 2019.
Sau khi hoàn thành, 2 dự án sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP, kết nối mạng lưới giao thông đường thủy, phục vụ vận tải hàng hóa, rút ngắn lộ trình vận chuyển hàng hóa từ khu vực phía Đông TP về Đồng Nai và ngược lại, giúp giảm bớt mật độ chạy tàu trên sông Sài Gòn. Đặc biệt, sẽ giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải ở khu vực trên.
Theo Sở GTVT TP, để giảm bớt áp lực giao thông đường bộ khu vực cảng Cát Lái, UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT cho điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5 gồm TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, TPHCM kiến nghị bổ sung việc phát triển cảng biển gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng, trong đó chú trọng kết nối vận tải thủy nội địa, đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối logistics tại khu vực. Đồng thời ưu tiên phát triển các bến cảng biển tại khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; không đầu tư phát triển cảng ở Cát Lái, quận 2.