2011 - Năm thách thức của Mỹ tại Afghanistan

Nhiều khó khăn
2011 - Năm thách thức của Mỹ tại Afghanistan

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, trong bài phát biểu vào thời điểm kết thúc một năm chết chóc của lực lượng liên quân Mỹ-NATO tại chiến trường Afghanistan.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Nhiều khó khăn

Ông Mike Mullen cảnh báo các vụ bạo lực đẫm máu sẽ gia tăng trong năm 2011, bất chấp việc lực lượng đồng minh đẩy mạnh chiến dịch chống Taliban. Trước những khó khăn sắp tới, liên quân phải chuẩn bị để đối phó với tình trạng bạo lực và con số thương vong tồi tệ hơn năm 2010 xảy ra ở nhiều vùng của Afghanistan. Năm ngoái Mỹ và NATO đã tiến hành 7.000 cuộc đột kích, tiêu diệt hơn 2.000 chiến binh Taliban và bắt giữ 4.000 người. Đồng thời, Mỹ và NATO phải trả giá đắt khi có hơn 700 binh sĩ liên quân bị thiệt mạng trong năm 2010.

Tư lệnh chỉ huy các lực lượng NATO và Mỹ tại Afghanistan, tướng David Petraeus cho biết, các lực lượng đồng minh và Mỹ đã chặn được đà tiến của Taliban trong nhiều khu vực trọng yếu ở miền Nam, nhưng miền Bắc vẫn còn bị Taliban kiểm soát ngay tại những nơi từng được coi là an toàn. Các đồng minh của Mỹ như Anh, Đức, Thụy Điển… có kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi chiến trường này vì sự thất thoát tài chính, binh sĩ cũng như sự phản đối của người dân trong nước. Tình trạng thương vong ngày càng tăng của dân thường trong các cuộc không kích cũng đang là nguyên nhân chính gây mâu thuẫn giữa chính phủ Afghanistan, Mỹ và NATO.

Phải xem xét lại kế hoạch?

Trong bối cảnh bạo lực tại Afghanistan được dự báo sẽ gia tăng nghiêm trọng trong năm 2011, dư luận ngờ rằng Mỹ và liên quân có thể tính lại kế hoạch rút toàn bộ quân trong năm 2014. Bằng chứng là trong chuyến thăm Afghanistan vào ngày 12-1, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những tuyên bố nước đôi cho biết quân đội Mỹ sẽ ở lại Afghanistan “cho đến khi công việc hoàn tất” thay vì khẳng định rút quân bắt đầu vào năm 2014 như cam kết trước đó. Trong năm 2010, thông tin về các cuộc đàm phán bí mật với lực lượng Taliban và chính quyền Kabul cũng như NATO bị rò rỉ cho thấy kế hoạch chống Taliban đã có sự điều chỉnh: từ giải pháp tấn công sang giải pháp đàm phán. Nhưng cho đến nay, các cuộc đàm phán không chính thức này vẫn không thu được kết quả khả quan.

Theo hãng tin AP, Mỹ đang cân nhắc lại kế hoạch bắt tay chống khủng bố tại Pakistan trong thời gian qua. Mỹ đã đổ hàng triệu USD tiền viện trợ vào Pakistan để hợp tác chống khủng bố nhưng đến nay, những khoản tiền này đã thành vô ích khi chính quyền Pakistan không thể ngăn chặn được các hoạt động của Taliban.

Các nhà phân tích cho rằng, việc rút quân đối với Mỹ và NATO trong thời gian tới cũng giống như chơi một canh bạc. Kịch bản thứ nhất là sau khi quân đội nước ngoài rút đi, Taliban sẽ bành trướng hơn nữa và Afghanistan có thể ngập trong cuộc nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, cũng có một kịch bản khác nếu là sự hiện diện của binh lính nước ngoài giảm sẽ kéo theo việc giảm các vụ chống đối của tàn quân và cơ hội hòa giải dân tộc dễ dàng hơn. Kịch bản nào sẽ xảy ra tùy thuộc tính hiệu quả của việc điều chỉnh kế hoạch chống khủng bố của Mỹ trong năm 2011.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục