21 giải được trao trong cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016

Sáng 15-6, Báo SGGP phối hợp với Hội Nhà báo TPHCM tổ chức trao giải cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016 với chủ đề “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”.
21 giải được trao trong cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016

(SGGPO).- Sáng 15-6, Báo SGGP phối hợp với Hội Nhà báo TPHCM tổ chức trao giải cuộc thi Phóng sự - Ký sự và Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016 với chủ đề “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”.

Đến dự lễ trao giải có các đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM…

Theo Ban Tổ chức, sau hơn 8 tháng kể từ khi phát động, riêng cuộc thi Phóng sự - Ký sự, đã nhận hơn 250 tác phẩm dự thi của các nhà văn, nhà báo và người cầm bút… trên khắp mọi miền đất nước. Với cuộc thi Phóng sự ảnh, đã có gần 200 tác phẩm của các tay máy chuyên và không chuyên nghiệp với những góc ảnh thể hiện các chủ đề rất sinh động gửi về tham gia cuộc thi. Từ tháng 9-2015 đến cuối tháng 5-2016, đã có 106 tác phẩm phóng sự - ký sự được đăng tải trên Báo SGGP. Với cuộc thi Phóng sự ảnh, ấn phẩm SGGP - Đầu tư Tài chính và Báo SGGP số chủ nhật đã đăng 73 tác phẩm.

Qua đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, so với 2 cuộc thi trước đây, cũng do Báo SGGP phối hợp với một số đơn vị thực hiện là “Những khoảnh khắc của cuộc sống” (2013-2014) và “Thành tựu 40 năm thống nhất đất nước” (2014-2015), cuộc thi năm 2015-2016 với chủ đề “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam” có đề tài rộng hơn, tác phẩm gửi về nhiều hơn.

Cắt băng khánh thành khai mạc Triển lãm Phóng sự ảnh báo chí 2015-2016 ''Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam''

Đồng chí Thân Thị Thư xem các tác phẩm đoạt giải

Các tác phẩm dự thi đã khắc họa sự thay đổi, “lột xác” của các địa phương sau hơn 40 năm đất nước thống nhất; những nét đặc sắc và độc đáo ở các vùng miền gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng; hình ảnh con người Việt Nam với các nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.

Đánh giá về cuộc thi, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, đồng Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: “Các bài thi đều được đầu tư kỹ càng, từ cách chọn đề tài, điển hình đến diễn đạt, bút pháp khá độc đáo. Qua đó, những tấm gương, con người cao đẹp, những công trình ý nghĩa hay những vùng đất đổi thay cho thấy sức sống mới của đất nước ta hôm nay, đã được phản ánh sinh động trên 107 số báo, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi”.

Đồng chí Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trao giải nhất thể loại phóng sự ảnh cho tác giả Vũ Đức Lợi

Đồng chí Thân Thị Thư trao giải nhì thể loại phóng sự - ký sự cho các tác giả đoạt giải

Ban Tổ chức trao giải ba thể loại phóng sự - ký sự cho các tác giả đoạt giải  

Có thể thấy được sự sinh động đó qua các tác phẩm dự thi Phóng sự ảnh. Đó là chùm ảnh Kiệt tác non nước Tràng An của tác giả Vũ Đức Phương khắc họa về quần thể Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, một danh thắng với các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, những khu rừng đặc dụng, những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.

Để có được những bức ảnh độc đáo trong Vũ điệu Tràm Chim, tác giả Vũ Đức Lợi đã “mai phục” trong Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) trong một thời gian khá dài, công phu, ghi lại những khoảnh khắc kỳ thú, sinh động và ấn tượng về các loài chim quý hiếm và sinh hoạt đời thường của chúng.

Tác giả Vũ Minh Đức vác máy ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), săn tìm những dấu tích độc nhất vô nhị được tạo nên bởi các lớp dung nham phun trào của núi lửa cách đây khoảng 10-30 triệu năm, qua tác phẩm Độc đáo trầm tích núi lửa.

Vượt qua nỗi sợ hãi sóng to gió lớn, tác giả Nguyên Khôi đã theo tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II ra Hoàng Sa cứu ngư dân gặp nạn. Nguy hiểm hơn, khu vực này luôn bị tàu nước ngoài quấy phá, nhưng các thuyền viên tàu SAR 412 vẫn bình tĩnh, khôn khéo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những hình ảnh đẹp này đã được Nguyên Khôi ghi lại trong tác phẩm Biệt đội cứu ngư dân.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải thể loại phóng sự ảnh

Với cuộc thi Phóng sự - Ký sự, đó là hình ảnh những tấm gương, con người cao đẹp, những công trình ý nghĩa hay những vùng đất đổi thay cho thấy sức sống mới của đất nước ta hôm nay. Vùng đất mới phương Nam với trọng điểm là Đồng Tháp Mười, từ một chiến trường ác liệt nay đã hoàn toàn thay đổi, khi trở thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển. Ước mơ của nhà cách mạng Chín Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, cũng là mơ ước của bao con người gắn bó vùng đất giàu tiềm năng, bây giờ đã thành hiện thực. Đó là “biến khu đất trũng Láng Sen thành hồ chứa lũ để giữ lại nguồn nước cùng các nguồn lợi quý hiếm, đặc trưng của Đồng Tháp Mười”.

Ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười của nhà báo Khuynh Diệp đã khắc họa điều ấy bằng bút pháp tinh tế lôi cuốn bạn đọc. Cuộc sống hôm nay có những con người xả thân vì cộng đồng, không cam chịu đói nghèo, thể hiện qua bài viết Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân của nhà báo Lê Bình. Ông Lâm Văn Hộ, Chủ nhiệm HTX Lâm Phát Hưng đã lặn lội ra nước ngoài tìm hiểu mô hình sản xuất mới, về nước thuê đất nông trường trồng chuối cấy mô, thuê nông dân làm “công nhân nông nghiệp” mở ra một hướng đi mới, hiệu quả cho cả vùng. Sản phẩm không đủ xuất khẩu theo đơn hàng các nước.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì thể loại phóng sự ảnh

Có những điển hình quen thuộc như GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, 71 tuổi và gần 50 năm theo ngành y, được biết đến là thầy thuốc, nhà quản lý dày công trong việc xây dựng ngành ung bướu học và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư ở TPHCM và khắp cả nước. Câu chuyện về ông được kể lại qua tác phẩm Khóm lục bình trổ bông của tác giả Võ Thắm - Thành Sơn.

Ông ví cuộc đời mình như khóm lục bình, lặng lẽ trổ bông dâng tặng cho đời: “Cuộc đời như lục bình trôi. Nước chảy, chảy theo nước. Nước trở lại, quay theo dòng. Cuộc đời vốn không suôn sẻ, không phải mọi việc đều theo ý mình. Cứ trôi nổi, bồng bềnh… dặt dìu đủ thứ chuyện, tưởng trôi lè phè vậy thôi nhưng lại vừa trôi, vừa trổ bông. Chỉ cần một chút nắng, chút mưa, chút khí trời, một chút phù sa của đời… không đòi hỏi gì nhiều”.

Ban Tổ chức trao giải tư cho các tác giả đoạt giải

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, khẳng định, cuộc thi là một việc làm rất có ý nghĩa, nhạy bén, đã tạo cơ hội để các cây bút, giới cầm máy thể hiện bản lĩnh của mình, phản ánh cuộc sống sôi động của đất nước và con người Việt Nam trong chặng đường gian nan và vinh quang đã trải qua; cũng như vị thế mới của đất nước trong công cuộc xây dựng - phát triển, ngày càng hội nhập sâu rộng.

Đồng chí nói: “Tôi thật sự ấn tượng về những tấm gương điển hình, những con người cao đẹp trong xã hội, sự ghi nhận công phu của những người cầm bút về sự lột xác tại nhiều địa phương trong công cuộc xây dựng phát triển; những thành tựu trên mọi lĩnh vực đất nước ta nói chung và TPHCM nói riêng và hình ảnh những chiến sĩ vững tay súng ngày đêm bảo vệ biên cương, hải đảo… Tôi cho rằng đây là việc làm rất đúng hướng của Báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM, bởi lẽ Đảng ta luôn xác định gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, chủ động sáng tạo, có khát vọng vươn lên”.

Thưởng lãm các tác phẩm đoạt giải thể loại phóng sự ảnh

Đồng chí Thân Thị Thư cũng nhắn nhủ: “Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ bức xúc trước việc đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại, trái với thuần phong mỹ tục, có xu hướng chạy theo vật chất, thiếu quan tâm các giá trị nhân văn và truyền thống đạo lý dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định cái tốt đẹp, tích cực, cái đúng và cao thượng vẫn là dòng chảy chủ lưu trong xã hội ta. Vì vậy, các nhà báo, giới nghệ sĩ - là người đi sát thực tế - phải khám phá, tôn vinh những điển hình mới tích cực trong xã hội bằng những tác phẩm giá trị, có sức lay động lòng người, để góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần bồi đắp nhân cách, đạo đức, tâm hồn Việt Nam với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân thấm đẫm tính nhân văn”.

 Kết quả cuộc thi Phóng sự - Ký sự

- Hai giải nhì (không có giải nhất) trị giá 20 triệu đồng/giải: Tác giả Lê Bình với tác phẩm Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân; tác giả Khuynh Diệp với Tâm điểm Đồng Tháp Mười.

- Ba giải ba (trị giá 15 triệu đồng/giải): Tác giả Mai Thắng với loạt bài Những cột mốc sống trên biển; tác giả Nguyễn Tường Lộc với Nhân nghĩa Đồng Ông Cộ; tác giả Đào Tấn Trực với Ông sử thi.

- Năm giải tư (trị giá 8 triệu đồng/giải): Tác giả Võ Thắm - Thành Sơn với Khóm lục bình trổ bông; tác giả Duy Cường với “Vẽ” màu lúa trên quê hương; tác giả Nguyễn Công với Người giữ ấm lăng đá cổ; tác giả Văn Ngọc với Ông “kỹ sư” miệt vườn bản lĩnh; tác giả Lê Huy Chung với Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội.

Kết quả cuộc thi Phóng sự ảnh

- Giải nhất (máy ảnh Canon trị giá 60 triệu đồng): Tác giả Vũ Đức Lợi với tác phẩm Vũ điệu Tràm Chim.

- Hai giải nhì (mỗi giải một máy ảnh Canon 40 triệu đồng): Tác giả Phạm Long Thanh với Đất thép giàu đẹp; tác giả Vũ Minh Đức với Độc đáo trầm tích núi lửa.

- Ba giải ba (mỗi giải một máy ảnh Canon 30 triệu đồng): Tác giả Văn Thắng với Lặng lẽ hiến dâng; tác giả Vũ Đức Phương với Kiệt tác non nước Tràng An; tác giả Nguyên Khôi với Biệt đội cứu ngư dân.

- Năm giải tư (mỗi giải một máy in ảnh Canon): Tác giả Nguyễn An với Thắp sáng yêu thương; tác giả Văn Khánh với Thâm nghiêm Hội An; tác giả Mạnh Linh với Sức sống mới xã đảo Thạnh An; tác giả Cao Thăng với Hiện đại đô thị Thủ Thiêm; tác giả Lã Anh với Hội tụ hào khí chống ngoại xâm. 

T.THẢO - M.AN - Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục