Hôm nay 12-3, Diễn đàn nước thế giới sẽ khai mạc tại thành phố Marseille, Pháp, với sự tham dự của 20.000 đại diện tổ chức đến từ 140 quốc gia trên thế giới. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh thiếu nước đang thành vấn nạn ngày càng trầm trọng.
Nguồn tài nguyên hiếm hoi
Được tổ chức hàng năm, nhưng chưa năm nào nhu cầu giải quyết nước sạch lại trở nên bức thiết tại Diễn đàn nước thế giới như hiện nay. Bản báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố trước thềm hội nghị cho biết trên thế giới có 2,5 tỷ người đang khát nước sạch, chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu. Đây là một con số đáng báo động vì chỉ 2 năm trước đây, con số này chỉ dừng ở 1 tỷ người.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhu cầu về nước vào năm 2050 sẽ tăng lên 55%. Đại hội đồng LHQ từng công nhận việc tiếp cận với nước sạch và sống vệ sinh là một quyền của con người. Nhưng quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt trên toàn cầu vẫn đang cản trở những nỗ lực cải thiện tình hình cung cấp nước sạch ở ngay cả những thành phố lớn.
Giáo sư Arjen Hoekstra, Đại học Twente (Hà Lan), cho rằng nước ngọt là nguồn tài nguyên hiếm hoi. Trong khi nhu cầu đang tăng thì nguồn cung lại hạn chế. Mọi người vẫn cứ nghĩ rằng nước trên trái đất còn rất nhiều. Thực tế 97% nguồn nước dự trữ là nước biển. 2% còn lại là băng ở Nam cực và Bắc cực. Nhân loại chỉ còn 1% lượng nước sử dụng được.
Cũng theo giáo sư Hoekstra, rất nhiều nơi trên thế giới đang xảy ra tình trạng cạn kiệt nước, sông ngòi khô cạn và mực nước ngầm đang thấp dần. Nhu cầu về nước ngày càng tăng trở thành nguyên nhân gây căng thẳng, xung đột về quyền sở hữu nước giữa các quốc gia. Cứ 7 quốc gia thì có một quốc gia phụ thuộc 50% nguồn nước bên ngoài biên giới.
Đe dọa sự sống toàn cầu
Ông Gerad Payen, cố vấn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết nếu các đại diện nhiều quốc gia tham dự hội nghị đều đồng ý với thỏa thuận quyết tâm bảo vệ nguồn nước sạch trên thế giới thì điều này sẽ gây tác động đến hội nghị khí hậu tổ chức tại Rio de Jainero (Brazil) vào giữa năm nay. Tình trạng giảm khí thải nhà kính hiện còn là vấn đề gây tranh cãi giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Trải qua nhiều hội nghị về biến đổi khí hậu nhưng cho tới nay vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm khí thải (2oC) trên toàn cầu. Mục tiêu này còn rất khó thực hiện vì trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại nhiều nước nên nguồn quỹ dành cho các dự án chống biến đổi khí hậu vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Trong khi những nước phát triển muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp để bảo vệ mức tăng trưởng kinh tế.
Nếu việc giảm thải không được thống nhất, nó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước trên toàn cầu. Các nhà khoa học từng cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa trên toàn cầu thay đổi một cách bất thường, hạn hán xảy ra tại nhiều nơi, đe dọa an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế thế giới.
Hàng triệu nông dân trên thế giới sống nhờ mưa đang đứng trước nhiều rủi ro do lượng mưa giảm còn lượng nước lại thất thường. Khoảng 66% tổng số diện tích canh tác ở châu Á thiếu hệ thống tưới tiêu, trong khi ở châu Phi 94% diện tích trồng trọt phụ thuộc vào nước mưa.
Thanh Hằng (Tổng hợp)