Quảng trường tượng đài Bác Hồ và đường Nguyễn Huệ
Quảng trường tượng đài Bác Hồ và đường Nguyễn Huệ là một trong những công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với TPHCM. Công trình vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có ý nghĩa kiến trúc và nhân văn… Nhân buổi làm việc với báo chí trong ngày 25-4-2015, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên Báo SGGP xung quanh công trình này.
Vận hành thử hệ thống phun nước.
Sẽ có cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn kết nối 2 quảng trường
* PV: Thưa ông, Quảng trường tượng đài Bác Hồ là không gian công cộng, là nơi mà người dân có thể đến vui chơi, thư giãn… Theo nhiều kiến trúc sư, với chức năng như vậy, thiết kế không gian chung và trong từng hạng mục tại quảng trường phải hướng tới sự gần gũi, thân thiện với người dân. Tại Quảng trường tượng đài Bác, các thiết kế ấy là gì? Xin ông nhấn mạnh đặc điểm của các thiết kế này đặt trong bối cảnh ở TPHCM: mùa nắng thường nắng rất gay gắt và mùa mưa thường có những cơn mưa bất chợt.
* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín: Theo quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM cũng như quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm, không gian trước mặt trụ sở UBND TPHCM là không gian mở kéo dài từ trụ sở UBND TPHCM tới bờ sông Sài Gòn kết nối với quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Sau này sẽ có cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn kết nối 2 quảng trường. Trong không gian đặc biệt đó, thành phố quyết định đặt tượng đài Bác và khu vực đặt tượng đài Bác sẽ là khu vực có tính chất trang nghiêm. Khu vực còn lại sẽ là không gian công cộng để cho người dân đến vui chơi, thư giãn. Tuy nhiên, hai khu vực không tách biệt mà kết nối chặt chẽ để người dân có thể vừa đến vui chơi, vừa viếng tượng đài Bác. Với tính chất như vậy, không gian kiến trúc chung cũng được tính toán cẩn trọng để phù hợp với từng khu vực. Để tạo tính trang nghiêm ở khu vực tượng đài Bác, TPHCM đã nhờ các chuyên gia ánh sáng đến từ Pháp thiết kế công tác chiếu sáng với yêu cầu vừa làm nổi bật tượng đài Bác nhưng vẫn hài hòa với ánh sáng xung quanh, nhất là về đêm. Để tạo không khí thân thiện, vui tươi cho người dân khi vui chơi trên quảng trường, thành phố đã cho lắp đặt, xây dựng nhiều công trình mang tính chất giúp người dân giải trí, thư giãn. Nổi bật là công trình đài phun nước có kết hợp với biểu diễn ánh sáng và âm nhạc. Hàng cây xanh với 45 cây sứ, 18 cây dầu, 62 cây giáng hương, 108 cây lộc vừng và 122 bồn dây leo vừa tạo mỹ quan vừa tạo bóng mát. Đặc biệt, khoảng cách giữa các cây xanh sẽ có hệ thống phun sương với tầm phủ 3 - 5m để giữ cho bầu không khí quảng trường được mát. Ngoài ra còn có 160 ghế được đặt dọc quảng trường để người dân ngồi nghỉ. Có 2 trạm vệ sinh ngầm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân đi bộ, đồng thời cũng có thể sử dụng để tránh mưa khi cần thiết. Ngoài ra, công trình kiến trúc hai bên đường cũng được yêu cầu có khoảng lùi, hành lang có mái che để làm chỗ trú mưa cho ngươi đi bộ khi cần.
* Các vật liệu xây dựng tại Quảng trường tượng đài Bác chủ yếu là gì? Có an toàn cho người dân? Các vật liệu xây dựng tượng đài Bác với thiếu nhi trước kia có được tái sử dụng lại để tiết kiệm tài nguyên không?
* Vật liệu xây dựng Quảng trường tượng đài Bác chủ yếu là đá granite. Tuy nhiên, đá đã được tạo mặt nhám chống trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Đá granite cứng nên khi đã được tạo độ nhám sẽ giữ được độ nhám lâu nên sẽ an toàn và thẩm mỹ hơn so với gạch lót. Thiết kế lót đá cũng chú ý có lối đi với khía dành riêng cho người khuyết tật. Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi đã được đưa về trưng bày ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM và những vật liệu xây dựng còn dùng được đã được đưa về Công viên Tao Đàn để sử dụng lại khi cần.
Kiểm tra hệ thống camera giám sát. Ảnh: QUANG KHOA
Sẽ có nhiều hoạt động văn hóa trên quảng trường
* TPHCM có dự định mở các điểm bán cà phê, đồ lưu niệm, biểu diễn nghệ thuật đường phố… cho người dân và du khách khi tham quan Quảng trường tượng đài Bác?
* Quảng trường tượng đài Bác sẽ được khai thác, đưa vào vận hành như thế nào đang được Sở Văn hóa Thông tin TPHCM nghiên cứu, tuy nhiên, tinh thần là UBND TPHCM đồng ý về mặt chủ trương: sẽ cho phép tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi… ở quảng trường. Trước mắt, để đảm bảo an ninh, trật tự cho người dân khi tham quan Quảng trường tượng đài Bác, thành phố đã chỉ đạo UBND quận 1 tuyệt đối nghiêm cấm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực đường Nguyễn Huệ làm nơi buôn bán, đồng thời tiến hành lắp đặt thùng rác hai bên đường. Khu vực quảng trường sẽ được lắp đặt hệ thống camera theo dõi tình hình trật tự, an ninh, vệ sinh. Tinh thần là mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
* Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khi quảng trường đi vào hoạt động, đường Nguyễn Huệ nằm dọc hai bên vẫn cho các loại phương tiện giao thông đi lại. Như vậy, người đi bộ khi đi qua đường Nguyễn Huệ để tiếp cận với quảng trường sẽ được đảm bảo an toàn ra sao? Hiện nay đã có những điểm giữ xe cho người dân tham quan quảng trường chưa?
* Bắt đầu từ 29-4, đường Nguyễn Huệ sẽ mở cho dân vào vui chơi. Sau khi quảng trường đi vào hoạt động, tổ chức lại giao thông sẽ được Sở GTVT TPHCM đánh giá, nghiên cứu không chỉ trong khu vực quảng trường mà còn ở các khu vực lân cận nhằm tìm ra phương án tổ chức giao thông tốt nhất. Còn từ nay đến hết lễ 30-4, để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi băng qua đường Nguyễn Huệ để tới quảng trường, Sở GTVT đã lắp đặt nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ dọc đường Nguyễn Huệ. Ngoài ra, trong một số thời gian nhất định trong dịp lễ 30-4, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, Sở GTVT đang nghiên cứu cấm xe tải vào khu vực đường Nguyễn Huệ, các loại phương tiện khác chỉ được lưu thông với tốc độ 15 - 20km/giờ.
Còn khi khu vực đường Nguyễn Huệ đã trở thành một phần của khu phố đi bộ ở trung tâm thành phố, trong những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện giao thông lưu thông. Người dân sinh sống trong khu vực nếu sử dụng xe gắn máy 2 bánh, phải dắt bộ qua hết khu vực đường đi bộ… Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét và quyết định cụ thể sau khi Sở GTVT hoàn tất nghiên cứu và đề xuất phương án tổ chức lại giao thông trong khu vực. Trước mắt, để phục vụ người dân đi chơi lễ 30-4, các cao ốc, trung tâm thương mại… trong bán kính 200m xung quanh quảng trường đã được vận động để người dân gửi xe. Danh sách các điểm gửi xe sẽ được Sở GTVT công bố công khai trong đầu tuần này.
Về lâu dài, đường Tôn Đức Thắng đoạn từ trụ sở Hải quan TPHCM đến gần khu vực các đơn vị hải quân sẽ có thêm đường hầm chui bên dưới dành cho các phương tiện giao thông lưu thông. Trong khu vực ngầm cũng sẽ có chỗ gửi xe cho người dân tham quan Quảng trường tượng đài Bác. Mặt đường đường Tôn Đức Thắng sẽ dành cho người đi bộ.
Kiểm tra hệ thống phun nước tại đường Nguyễn Huệ. Ảnh: QUANG KHOA
|
Nguyễn Khoa