“3 không” với trò chơi trực tuyến không lành mạnh

Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên  giai đoạn 2011-2015.

(SGGPO). – Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên  giai đoạn 2011-2015.

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% học sinh, sinh viên ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên. Khắc phục tình trạng học sinh, sinh viên  sa sút đạo đức, thiếu tự tin, thiếu chuyên cần học tập.

Một số nhiệm vụ cụ thể được Bộ Giáo dục – Đào tạo yêu cầu triển khai như: Đối với nhà trường, có kế hoạch phổ biến cho cán bộ, giáo viên nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác hại trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh để làm tốt; lập “hòm thư góp ý” để phát hiện những học sinh, sinh viên chơi trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực và nghiện trò chơi trực tuyến trong nhà trường để có biện pháp phối hợp, quản lý, giáo dục; đưa nội dung phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có bạo lực và không lành mạnh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp, các khoa trong nhà trường.

Đối với học sinh, thực hiện theo phương châm “3 không”: Không chơi trò chơi bạo lực; Không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến; Không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép.

Đối với phụ huynh, phải ký cam kết với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh về tác hại của trò chơi trực tuyến ngoài giờ lên lớp. Đối với giáo viên phải theo dõi chặt chẽ sĩ số học sinh hàng ngày, trong từng tiết học của lớp mình chủ nhiệm. Phối hợp quản lý không để xảy ra tình trạng học sinh đến trường nhưng trốn học, bỏ tiết. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của học sinh thì phải tìm hiểu và liên lạc với gia đình để cùng có kế hoạch ngăn chặn, giáo dục kịp thời...

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục