30 năm phát triển và hội nhập

30 năm phát triển và hội nhập

Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 -2005), một số vị Tổng lãnh sự và Lãnh sự của các nước tại TP.HCM đã trao đổi với PV Đặc san SGGP về mối quan hệ kinh tế – văn hóa đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong những năm qua và triển vọng sắp tới.

  • Ông Youry L.Vassilyev,Tổng lãnh sự Liên bang Nga: “Tiềm năng hợp tác về khoa học rất lớn”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 1

Chúng tôi đánh giá rất cao sự phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nga trong những năm qua. Từ năm 2000 –2003, lượng trao đổi thương mại Nga –Việt tăng 2,27 tỉ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2004, giá trị trao đổi thương mại đạt 290 triệu USD tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng thương mại  khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước và mối quan hệ truyền thống giữa doanh nghiệp (DN) và các Hiệp hội Nga – Việt. Đặc biệt, tôi rất hài lòng khi thấy mối quan tâm của các DN Nga tới thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Tổng Lãnh sự Nga đã và sẽ hỗ trợ hết mình cho sự mở rộng hợp tác của TP.HCM với các thành phố và địa phương của Nga.

Hoạt động của trung tâm nghiên cứu khoa học nhiệt đới và công nghệ Việt - Nga nói chung và chi nhánh của nó ở TP.HCM nói riêng, theo chúng tôi, là minh chứng rõ ràng về sự thành công trong những năm qua và mở ra một hướng hợp tác xa hơn trong tương lai. Chúng tôi cho rằng, tiềm năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học còn rất lớn và tin rằng sắp tới sẽ càng phát triển lớn mạnh, mở ra những hướng hợp tác mới đầy triển vọng.

Lúc đó, chắc chắn sẽ có sự tham gia tích cực của giới DN Nga và sẽ có dự án được triển khai trong tương lai trên địa bàn TP.HCM. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ bằng mọi cách có thể để phát triển tiến trình hợp tác này.

  • Ông Vương Long Hổ, Lãnh sự kinh tế thương mại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: “Doanh nghiệp Việt Nam cần năng động hơn”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 2

Từ năm 1991 đến nay quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước Việt-Trung đã phát triển rất nhanh, chỉ tính riêng năm 2004, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) song phương đạt 6,7 tỉ USD.  Dự tính đến năm 2010, kim ngạch XNK hai chiều sẽ đạt 10 tỉ USD, nhưng theo tôi, có khả năng con số này sẽ tăng thêm.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam, trong năm 2004 Trung Quốc đầu tư sang thị trường Việt Nam 67 dự án, đứng thứ 9 so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn nhận lại việc hợp tác giao thương giữa hai nước, tôi cho rằng tiềm năng hai nước chúng ta rất lớn, có thể bổ sung cho nhau. Tôi đặt lòng tin vào chương trình xúc tiến thương mại của hai nước. Tuy nhiên, tôi đề nghị các DN Việt Nam khi làm ăn với DN Trung Quốc nên khảo sát, tìm hiểu thị trường Trung Quốc kỹ hơn và năng động hơn, nhất là nên tham gia vào các hiệp hội kinh doanh hoặc những đoàn kinh tế thương mại từ hai bên. Tôi cho rằng DN Việt Nam cần để ý đến 4 hội chợ quan trọng thường niên do Trung Quốc tổ chức, đó là: Hội chợ Quảng Châu, Hội chợ Côn Minh (cơ hội giao thương cho các DN Đông Nam Á), Hội chợ Nam Ninh (Trung Quốc và khối ASEAN cùng tổ chức) và Hội chợ Hạ Môn. Những hội chợ trên rất thích hợp cho các DN muốn tìm đối tác, mở rộng hợp tác đầu tư và tìm kiếm thị trường mới.

Tôi hy vọng khi Việt Nam gia nhập WTO thì tiến trình hội nhập và phát triển với thế giới sẽ ngày càng gần.

  • Ông Seth D.Winnick, Tổng Lãnh sự Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ: “Thật vui khi thấy Việt Nam phát huy hiệu quả tiềm lực của mình”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 3

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển vượt bậc sau khi hai nước ký hiệp định thương mại (BTA). Thời điểm trước khi ký BTA (năm 1999), kim ngạch xuất khẩu của  Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt 500 triệu USD. Đến năm 2004, con số này là  5,5 tỷ USD. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Việt Nam cũng tăng khá đáng kể.  Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế củaViệt Nam tiếp tục tăng nhanh hơn, chúng tôi hy vọng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng lên. Chúng tôi có nhiều hàng hóa có khả năng cạnh tranh , nhất là trong lĩnh vực trang thiết bị công nghiệp rất cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Một điều rất quan trọng là Việt Nam đã phát triển được thị trường tài chính của riêng mình để huy động nguồn vốn rất quan trọng đó là tiết kiệm trong nước. Không quốc gia nào có thể phát triển mà lệ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, viện trợ ODA hoặc tiền do thân nhân nước ngoài gửi về.  Và theo quan điểm của tôi, việc tự do hóa nền kinh tế trong nước cũng như trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế đang phát triển có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

Theo quan điểm của tôi, để tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư,  Việt Nam có thể mở rộng việc cấp giấy phép trong các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, thương mại nông nghiệp, viễn thông, dịch vụ tài chính, phân phối lưu thông, bán lẻ. Chúng tôi hy vọng rằng khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại toàn cầu cũng như vào WTO, Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể.

Tôi may mắn nhận nhiệm kỳ vào thời điểm kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất Việt Nam - thời điểm những khó khăn đã lùi về phía sau và Việt Nam đang tiến lên phía trước theo con đường mà chỉ có vài nước đang phát triển có cơ hội để tiến lên. Thật vui khi nhìn thấy Việt Nam  đang nắm lấy cơ hội và phát huy  hiệu quả tiềm lực của mình.

  • Ông Nicolas Warnery, Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp: “Việt Nam chiếm vị trí ưu tiên của Pháp”

30 năm phát triển và hội nhập ảnh 4

Từ nhiều năm qua, hợp tác Pháp – Việt đã mở ra nhiều hướng tốt đẹp thể hiện dưới nhiều dạng như: Ở  cấp nhà nước, Phòng Hợp tác và hoạt động văn hóa (SCAC) của Đại sứ quán và Phòng Thương vụ và cơ quan phát triển Pháp (AFD) giữ vai trò quyết định trong hợp tác nói chung và hợp tác khoa học kỹ thuật nói riêng; ở cấp địa phương, các dự án đang được các vùng Ile de France, Poitou Charentes và Rhône-Alpes,  thành phố Paris, Lyon triển khai tại Việt Nam. Đồng thời, còn có hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ, các bệnh viện, trường đại học....

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp được đánh dấu qua các chuyến viếng thăm Việt Nam của các đoàn Bộ trưởng Ngoại thương (11-2003), Bộ trưởng về hợp tác (2-2004) và gần đây là chuyến đi của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Sắp đến sẽ có phái đoàn của Liên đoàn giới chủ Pháp (MEDEF)  sang Việt Nam (6-2005). Ngược lại, Pháp cũng tiếp đón nhiều đoàn Việt Nam như chuyến thăm của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương (10-2002) và của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 6 tới. Các hoạt động trên chứng tỏ Việt Nam là nước chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp. TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, cũng là nơi sinh sống của đa số người Pháp đang làm việc tại Việt Nam.

Điều đó lý giải sự hiện diện của Lãnh sự quán Pháp tại thành phố này. Việt Nam là thị trường mới, có nhiều tiềm năng. Các DN Pháp tại Việt Nam rất hài lòng về hiệu quả đầu tư của họ vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải trở ngại khi xin cấp giấy phép mở rộng kinh doanh hoặc xin phép mới cho một dự án. Việt Nam có ưu điểm về trí tuệ và khả năng lao động của người dân, chỉ vướng một chút về khung pháp lý. Tôi mong, VN sẽ tiếp tục công việc hiện đại hóa đất nước mà vẫn bảo tồn nền văn hóa lâu đời của mình.

  • Ông Sengthong LuangPhakdy, Tổng lãnh sự Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: “Cùng kề vai, sát cánh để đến đích”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 5

Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của hai Đảng, hai Chính phủ, nhân dân hai nước đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đầu tư và xúc tiến thương mại. Nhiều DN Việt Nam đã đầu tư sang thị trường Lào để mở rộng hợp tác, trong đó có nhiều DN đã đạt được hiệu quả cao. Đặt biệt, sự ra đời và phát triển của ngân hàng Lào –Việt là kết quả sự hợp tác rất thành công giữa hai DN nhà nước.

Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Viên Chăn cùng tỉnh Chăm Pa Sắc đã kết nghĩa từ năm 2001. Kể từ đó, nhiều đoàn chuyên gia của Việt Nam đã sang đào tạo, hợp tác về công nghệ, kinh tế tiên tiến cho các cán bộ của Lào. Ngược lại, cũng rất nhiều cán bộ của tỉnh Chăm Pa Sắc được cử sang Việt Nam để học tập và đã đến TP.HCM – thành phố có tốc độ phát triển kinh tế lớn nhất Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Tôi nghĩ, hai nước đã không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ qua lại về mặt hình thức mà ngay cả các lãnh vực khác từ cấp trung ương đến cơ sở... đều có mối quan hệ tốt đẹp.

Tôi luôn tin tưởng rằng chúng ta sẽ có đủ khả năng để thực hiện và cùng kề vai sát cánh đi đến đích, nhất định sẽ giành thắng lợi vẻ vang.

  • Ông Osamu Shiozaki, Tổng Lãnh sự Nhật Bản: “Đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tăng nhanh”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 6

Trong năm 2004 đã có 64 dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 250 triệu đô la, đứng thứ hai tại Việt Nam.

Ở phía Nam, nhiều dự án ODA của Nhật Bản đã được khởi công như cầu Cần Thơ, nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đường cao tốc Đông – Tây Sài Gòn, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Công trình cải thiện môi trường nước TPHCM...

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, Hiệp định đầu tư Nhật Bản – Việt Nam đã được chính phủ hai nước thực hiện và có hiệu lực từ ngày 19-12-2004. Với sự kiện này, tôi hy vọng triển vọng đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai. Đặc biệt, nếu Việt Nam thành công trong tiến trình gia nhập WTO, chắc chắn mối quan hệ về kinh tế, đầu tư và thương mại giữa hai nước sẽ phát triển mạnh hơn.

Riêng ngày 30-4-2005, tại TP.HCM sẽ diễn ra lễ hội văn hóa kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn nghệ sĩ Nhật Bản sẽ tham gia lễ hội này. Trong năm nay, ngoài những đoàn kinh tế Nhật đến tìm hiểu cơ hội giao thương tại Việt Nam sẽ có các đoàn văn hóa lớn của Nhật đến giao lưu, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Như vậy, mối quan hệ Nhật – Việt không chỉ dừng lại ở những khía cạnh đầu tư, kinh tế, thương mại mà sẽ ngày càng tiến xa hơn trên mọi lĩnh vực.

  • Ông Peter Seidel, Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức: “Hãy tiếp tục từ bây giờ”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 7

Đức và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ kinh tế vững mạnh từ nhiều năm nay. Có thể nói Đức là thị trường xuất khẩu thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU). Các nước thành viên trong khối EU cũng đang nhập những sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn các nước khác như Mỹ hoặc Nhật.

Theo tôi, cách tốt nhất để xúc tiến quan hệ thương mại song phương là Việt Nam và Đức càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, DN của hai nước cần nắm được thông tin của nhau thông qua các hội chợ thương mại được tổ chức hàng năm ở Đức. Tôi cho rằng, DN Việt Nam cần tham gia những hội chợ thương mại lớn nhất như: Hội chợ Frankfurt, hội chợ Green week ở Berlin, hội chợ lớn nhất thế giới về thông tin kỹ thuật CEBIT ở Hanover hoặc ít nhất là hội chợ quốc tế về du lịch thường được tổ chức vào ngày 11-3 mỗi năm ở Berlin.

Thành phố Hồ Chí Minh, không còn nghi ngờ gì nữa, là một thành phố có tiềm lực kinh tế lớn nhất Việt Nam. Do đó, ở đây có rất nhiều văn phòng đại diện và trụ sở hành chánh của các nước. UBND TP.HCM rất chủ động trong mọi tình huống ngoại giao và hợp tác, tạo lòng tin cho các đối tác nước ngoài đang hoạt động tại thành phố; tích cực giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn khi gặp phải.

Việt Nam đang có những hướng đi đúng và không nên chần chừ để tiếp tục hướng đến tương lai như một câu nói của người Đức chúng tôi: “Có nhiều điều bạn đã đạt được rồi đấy, vậy hãy tiếp tục đi, ngay từ bây giờ!”.

  • Bà Debbie Clarke, Tổng lãnh sự Vương Quốc Anh: “Mối quan hệ đối tác chiến lược”
30 năm phát triển và hội nhập ảnh 8

Nhiều công ty hàng đầu của Anh đã quyết định đầu tư vào Việt Nam vì một số lý do như: tính ổn định của quốc gia; lực lượng lao động dồi dào và có kỹ năng; vị trí lân cận với những thị trường châu Á khác. Những năm gần đây, môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực nhưng nếu Việt Nam muốn tiếp tục kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài thì cần phải có nhiều thay đổi hơn nữa để đóng góp cho sự vững mạnh và tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

Việt Nam và Anh có mối quan hệ thương mại rất mạnh mẽ và vững chắc. Việt Nam xuất khẩu vào Anh nhiều hơn là nhập khẩu từ Anh, điều này cho thấy các công ty Việt Nam có những hiểu biết tốt về kinh doanh tại Anh và cung cấp sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Anh. Tôi cho rằng mối quan hệ thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp đón một số lượng kỷ lục các phái đoàn thương mại từ Anh đến Việt Nam trong vòng 12 tháng tới. Những chuyến thăm này sẽ góp phần rất nhiều trong việc phát triển mối liên kết thương mại giữa hai nước.

Trong buổi tiếp Chủ tịch nước Trần Đức Lương công du đến Anh vào năm ngoái, Thủ tướng Anh, Tony Blair, đã mô tả mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam như “mối quan hệ đối tác chiến lược”. Bên cạnh giáo dục và văn hóa, ba lĩnh vực quan trọng cho sự hợp tác tương lai giữa hai nước sẽ bao gồm: hợp tác phát triển, di trú và thương mại.

Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DfiD) đang tiếp tục những dự án của họ với chính phủ Việt Nam trong việc giảm nghèo. Ví dụ, năm nay DfiD đang hỗ trợ các chương trình 135 nhằm cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đường sá cho hơn 2.300 xã nông thôn trên 49 tỉnh thành.

Liên minh châu Aâu (EU) đang và sẽ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong tương lai. Là thành viên của EU, Anh hài lòng EU đã ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, sẵn sàng cho sự gia nhập WTO của Việt Nam.

Và để tiếp tục thỏa thuận giữa EU và Việt Nam về những điều khoản trong việc Việt Nam gia nhập WTO, Anh sẽ cố gắng hơn nữa để Việt Nam trở thành thành viên WTO, hy vọng vào năm 2005.

THẢO HUỲNH - VIỆT TRUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục