Nhiều nông dân ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ (Long An), đang bức xúc trước việc Công ty Việt Ấn (trụ sở tại khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thuê 300ha đất của 135 hộ dân ở đây để trồng mía, nhưng lại bỏ hoang; trong khi tiền thuê đất của dân không trả và cũng không chịu trả lại đất…
Theo nhiều hộ dân phản ánh, năm 2007, Công ty Việt Ấn đến xã Mỹ Bình hỏi thuê 300ha đất lúa để trồng mía. Thời gian thuê 20 năm, với giá 3 triệu đồng/năm. Sau khi được người dân giao đất, Công ty Việt Ấn tiến hành lên liếp trên mặt ruộng để trồng mía. Song, không hiểu vì sao mía của công ty này trồng xuống đều chết hết, còn mía của những người dân ở xung quanh vẫn phát triển bình thường. Lúc đầu công ty này còn trả tiền thuê đất cho dân, nhưng từ năm 2013 thì không trả tiền nữa. Dân đòi lại đất để sản xuất, Công ty Việt Ấn cũng không trả và chuyển sang trồng mì. Nhưng trồng mì cũng không hiệu quả, nên bỏ đất hoang cho cỏ mọc um tùm, bất chấp những phản ứng của người dân. “Họ thuê đất nhưng không trả tiền, tụi tui đòi lại đất họ cũng làm ngơ, rồi bỏ hoang luôn. Thật là xót ruột!” - ông Hải, một người dân cho Công ty Việt Ấn thuê đất, bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh San, Giám đốc Công ty Mía đường Ấn Độ (Công ty NIVL - trụ sở tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An), cho biết: Do Công ty NIVL là công ty nước ngoài nên không thể thuê đất nông nghiệp để trồng mía được. Do vậy, Công ty NIVL “nhờ” Công ty Việt Ấn (một công ty trong nước nhưng là công ty thành viên của Công ty NIVL) đứng ra thuê đất của dân để trồng mía. “Thời gian qua, Công ty NIVL đã bỏ ra hơn 20 tỷ đồng đầu tư vào vùng đất này nhưng không hiệu quả do đất ở đây vừa trũng, vừa phèn. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến từ công ty mẹ ở nước ngoài để giải quyết vấn đề này nhưng chưa có câu trả lời” - ông San phân trần.
Theo UBND xã Mỹ Bình, giữa tháng 11-2013 vừa qua, trong buổi hòa giải để giải quyết gút mắc giữa các hộ dân cho thuê đất với Công ty Việt Ấn tại trụ sở UBND xã, ông San cho biết công ty cũng muốn trả lại đất cho 135 hộ dân và hứa sẽ thanh toán hết số tiền thuê đất còn nợ. Riêng yêu cầu của người dân đề nghị công ty chi thêm 15 triệu đồng/ha để dân san phẳng lại mặt ruộng phục vụ sản xuất lúa, thì ông San “xin” dân thông cảm bởi công ty đang gặp khó khăn. Ông Phan Văn Lót, một hộ dân cho thuê đất ở đây, bức xúc: “Nếu phía công ty vẫn không có thiện chí giải quyết vụ này, tụi tôi sẽ kiện ra tòa để đòi bồi thường theo hợp đồng”.
ĐĂNG NGUYÊN