Mùa hè World Cup

31 ngày cuồng si

31 ngày cuồng si

Bạn chờ đợi gì ở bóng đá năm 2006? Không phải tuần lễ cuối tháng 5 với trận chung kết Champions League như mọi năm, mà xa hơn một chút, những ngày hè nóng bỏng ở Đức. Trong một năm có vòng chung kết Cúp thế giới, tất cả mọi thứ như nhạt nhòa và kém hấp dẫn đi nhiều. Điều duy nhất còn lại là ai sẽ đăng quang trong ngày 10-7 ở Berlin – ngày khép lại bức màn nhung của WORLD CUP 2006.

31 ngày cuồng si ảnh 1

Tiền vệ nhạc trưởng Zinedine Zidane (Pháp).

Trong bức thư gửi cho cô con gái đang sống chung với chồng ở Australia, một ông lão người Đức nhắn nhủ: “Hè này bố sẽ không đi nghỉ mát và cũng không sang thăm con được. Có rất nhiều điều phải làm trong tháng 6 và có rất nhiều sự kiện sẽ diễn ra ở quê mình. Thời trẻ, bố đã bỏ lỡ nó một lần, bây giờ bố không thể bỏ qua cơ hội đó lần nữa…”.

Câu chuyện của ông lão mê bóng đá mà tờ Bild am Sontag ghi lại cũng là câu chuyện chung của triệu triệu người khác đang chờ đón ngày hội bóng đá của cả hành tinh sẽ khởi diễn trên đất Đức vào ngày 10-6 tới. Tháng 6, tháng của hội hè, tháng của mê say và cuồng dại. Người ta sẽ quên cả ăn, bỏ cả ngủ và có thể bỏ cả… học thi để được nhấm nháp hương vị bóng đá 4 năm mới đến một lần.

Người ta sẽ trút cả ngân quỹ còm cõi của mình để săn mua cho được những chiếc vé vào xem trận đấu giữa những tinh hoa bóng đá thế giới. Tháng 6, tháng của giới mày râu, cho dù bây giờ không hẳn là của riêng họ nữa, khi mà nữ giới ngày một hiểu ra và một xuất hiện nhiều hơn trên khán đài sân vận động.

Tháng 6, người ta sẽ ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn và sẽ quây quần bên gia đình nhiều hơn khi mà chiếc truyền hình trở thành thứ quý giá nhất trong nhà. Sau cái tháng 6 ấy, sẽ có nhiều phụ nữ dễ dàng nhận diện ai là Ronaldo, ai là Totti; sẽ có nhiều trẻ em lao ra đường quần thảo với quả bóng và tự nhận mình là Rooney, là Messi hay Podolski…

Nói chung, tháng 6 tới là tháng của hao mòn, của tốn kém nhưng chẳng ai muốn bỏ qua cho dù không biết là mình có đủ sức lực và thời gian để sống trọn 31 ngày cuồng dại đó hay không.
 
Nhưng ai sẽ thành công, ai sẽ thất bại?

Trong lịch sử World Cup, chỉ một lần đại diện Nam Mỹ giành chiến thắng trên đất châu Âu và lần đó chính Brazil của Pele đã ghi danh vào lịch sử. Liệu lần này, những hậu duệ của Vua bóng đá như Ronaldo, Ronaldinho, Kaka và Robinho có lặp lại chiến tích? Câu trả lời xin dành cho… số mệnh. Trái tim ta gửi gắm vào Brazil nhưng lý trí lại nhắc nhở rằng ứng viên số 1 không dễ trở thành nhà vô địch.

Brazil từng là ứng viên số 1 năm 1962 và 1998 nhưng họ không phải là người bước lên bục vinh quang. Brazil không được đánh giá cao những năm 1994 và 2002 nhưng họ lại giành thắng lợi sau cùng. Còn lần này? Họ vượt lên trên và vượt rất xa những đối thủ khác. Phải chăng định mệnh sẽ ngăn cản họ gắn thêm ngôi sao thứ 6 lên trên chiếc áo vàng - xanh?

World Cup 2006 là lần hiếm hoi châu Âu hội đủ mặt anh tài trong vòng chung kết. Họ có đủ những nhà cựu vô địch thế giới như Đức, Italia, Anh và Pháp, họ cũng có những cựu á quân như Hà Lan, CH Séc, Thụy Điển… Đó là những đại diện ưu tú nhất, đầy màu sắc và cũng đầy bản lĩnh để tranh đoạt vinh quang. Ai trong số đó sẽ lọt vào bán kết? Chắc chắn là rất nhiều nếu không nói là tất cả! Nhưng ai đủ sức gây bất ngờ và ngăn cản được Brazil?

Có thể thấy là nếu Đức và Pháp không có nhiều hy vọng làm điều đó thì Hà Lan và Italia vẫn có khả năng mang lại điều kỳ diệu. Song theo những nhà bình luận uy tín nhất thì đội có nhiều khả năng đánh bại Brazil nhất vẫn là người láng giềng Nam Mỹ, Argentina. Có đẳng cấp kỹ thuật siêu đẳng, có những cá nhân gây đột biến tương tự như Brazil nhưng Argentina có lối chơi thực dụng hơn nhiều và điều đặc biệt là họ cũng dễ… thua các đối thủ châu Âu hơn so với Brazil! Do vậy, nếu Argentina chịu “giúp một tay” thì chuyện châu Âu chiếm đoạt chiếc Cúp vàng quý giá lần này là rất hiện thực.

Cánh báo chí Đức đã sớm đề ra một chiến lược để đẩy Argentina vào nhánh của Brazil và tất cả mọi trọng trách đặt lên vai đội bóng trẻ trung và giàu sức chiến đấu nhất châu Âu hiện thời: Đó là Hà Lan.

Hà Lan nằm chung bảng C với Argentina, nếu đứng nhì bảng, họ sẽ rơi vào nhánh “tử thần”, tức là nhiều khả năng gặp đội nhất bảng D (Mexico hoặc Bồ Đào Nha) ở vòng 16, rồi có thể đụng độ đối thủ kỵ jeu là tuyển Anh ở tứ kết trước khi đương đầu với Brazil ở bán kết. Như vậy, nếu Hà Lan không đặt cho mình một chỉ tiêu quá lớn (vô địch chẳng hạn) thì họ sẽ dồn sức vào vòng đấu bảng và biết đâu chừng họ sẽ có khả năng đi xa hơn.

Trên thực tế, nếu không đánh bại được Argentina, Hà Lan vẫn có khả năng đứng đầu bảng nếu cầm hòa đối thủ mạnh nhất và săn tìm nhiều bàn thắng trước hai đội còn lại là Bờ Biển Ngà và Serbia. Đối với Hà Lan, đương đầu với Bồ Đào Nha phóng khoáng, Đức bất ổn và Italia thận trọng dĩ nhiên dễ chịu hơn phải gặp Mexico rình rập, Anh đầy bất trắc và Brazil quá mạnh.

Ngược lại, với Argentina, hành trình của đội nhì bảng C không quá thất vọng khi mà họ vẫn có cửa thắng cả Mexico lẫn Anh trong lúc Brazil không phải là thế lực khiến họ sợ hãi. Như vậy, nếu Hà Lan gắng sức một chút, biết đâu Argentina sẽ chìu theo để nhận ngôi nhì bảng!

Nếu bất cứ dự đoán nào cũng chỉ có giá trị tham khảo thì tại sao chúng ta không thử “bình loạn” về diễn biến của vòng chung kết World Cup 2006 sắp tới?

Nếu không có bất ngờ lớn trong vòng đấu bảng thì những đội bóng danh tiếng và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến dài ngày sẽ lọt vào vòng 16 đội. Xin đề xuất một danh sách mà nhiều chuyên gia tin tưởng là nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật: Đức và Costa Rica (bảng A); Anh và Thụy Điển (bảng B); Argentina và Hà Lan (bảng C); Mexico và Bồ Đào Nha (bảng D); Italia và CH Séc (bảng E); Brazil và Croatia (bảng F); Pháp và Hàn Quốc (bảng G); Tây Ban Nha và Ucraina (bảng H).

Tin cùng chuyên mục