40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” - Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân: “Số phận trao cho tôi nhiều cơ hội”

40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” - Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân: “Số phận trao cho tôi nhiều cơ hội”

40 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam. Với Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân (ảnh), những ngày cuối tháng 12 luôn để lại cho ông những kỷ niệm rất đặc biệt. Phóng viên Báo SGGP đã có dịp gặp gỡ Anh hùng Phạm Tuân trong những ngày đặc biệt này.

Anh hùng Phạm Tuân

Anh hùng Phạm Tuân

- Phóng viên: Với chiếc Mig 21, đêm 27-12-1972, ông đã ghi vào lịch sử của không quân Việt Nam trong việc hạ gục pháo đài bay B52. Ông nhận định về B52 thế nào, có ghê gớm như lời đối phương đã “quảng cáo” về nó?

Trung tướng PHẠM TUÂN: Thực ra B52 cũng giống như A320 hay Boeing nhưng được trang bị hiện đại hơn. Nếu bay ban ngày, phi công của ta phát hiện bằng mắt thường thì bắn dễ. B52 bay ở độ cao 10km, tốc độ 900 km/giờ. Trong khi máy bay chiến đấu của ta bay với độ cao 20km, tốc độ 2.200 km/giờ. Bằng 2 quả tên lửa hoàn toàn có thể bắn rơi. Thế mạnh của B52 là bay vào ban đêm, lại có khả năng gây nhiễu mạnh, bịt mắt phi công và không thể nhìn bằng radar. Cái khó nữa, bay cùng B52 còn có nhiều tốp máy bay khác. Đừng nói B52 ghê gớm, không có. Chỉ có vỏ bọc gây nhiễu và được yểm hộ an toàn.

- Ông suy nghĩ gì trong thời khắc đặc biệt đó?

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, mỗi người lính đều ra trận với tâm thế phải chiến thắng. Khi đối mặt với một sống - một chết, con người ta không kịp suy nghĩ hay toan tính. Mỗi phi công như tôi, khi bay trên trời chỉ nghĩ đến một điều, phải nhắm và bắn trúng mục tiêu cho bằng được.

- Là phi công đầu tiên hạ B52 và là người Việt Nam đầu tiên được bay vào vũ trụ, ông có cho rằng mình là người may mắn?

Số phận đã cho tôi nhiều cơ hội. Hai năm liền (1964 và 1965), tôi đi dự tuyển phi công đều trượt vì các bác sĩ bảo nhịp tim của tôi rối loạn và bị chuyển xuống làm thợ máy. Thế rồi, khi không tuyển đủ người, lại gọi thợ máy lên tuyển lại. Tôi còn nhớ rõ cái hôm đi tuyển ấy, chiều hôm trước bác sĩ điện tim bảo tôi thôi về đi, vì tim có vấn đề. Sáng hôm sau, tôi đến gặp lại vị bác sĩ đó và bảo rằng muốn được khám lại. Và lần này thì trúng tuyển. Chuyến bay vào vũ trụ của tôi cũng vậy. Tôi là người được xét “vớt”, song cuối cùng số phận đã mỉm cười.

- Giờ đây, khi nhìn lại cả một chặng đường đã qua có lúc nào ông mong muốn được làm lại một điều gì đó?

Nếu có cơ hội để sửa chữa quá khứ tôi sẽ nắm bắt lấy nó để bỏ đi những suy nghĩ, việc làm viển vông. Song tôi vẫn muốn vẫn làm phi công, tham gia trận đánh B52, rồi trở thành nhà du hành bay vào vũ trụ thì đương nhiên.

- Là Anh hùng và là người được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam ngưỡng mộ, con cái ông có chịu áp lực từ việc đó?

Con cái tôi có cuộc sống rất độc lập từ việc học hành, trưởng thành và cả về công việc, cuộc sống sau này. Chúng đã tự đi lên bằng đôi chân của mình và tôi tôn trọng điều đó.

- Giờ đây, ông có còn quan tâm những vấn đề liên quan tới công nghệ hàng không vũ trụ?

Ai cũng vậy, cả đời tôi gắn bó với ngành này vì thế mỗi thông tin mới, sự kiện mới liên quan tới nó đều thu hút tôi. Sau gần 6 năm nghỉ hưu, giờ đây, tôi cũng dành thời gian tham gia các buổi nói chuyện về truyền thống, lịch sử và vui vầy cùng các bạn bè, gia đình.

- Cảm ơn ông!

Vĩnh Xuân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục