40 năm vết thương chưa lành

Những ngày này Chile kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính của độc tài Augusto Pinochet lật đổ Tổng thống cánh tả dân cử đầu tiên trên thế giới, Tổng thống Salvador Allende.

Những ngày này Chile kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính của độc tài Augusto Pinochet lật đổ Tổng thống cánh tả dân cử đầu tiên trên thế giới, Tổng thống Salvador Allende.

Tổng thống Sebastian Pinera đã chủ trì buổi lễ tưởng niệm hôm 11-9 tại dinh La Modeda, một trong những nơi đẫm máu nhất của cuộc đảo chính này. Ký ức về thời kỳ độc tài kéo dài 17 năm của Pinochet vẫn còn là nỗi đau của rất nhiều người Chile. Điều phải làm, nói như Tổng thống Pinera, là đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại. Ông cho rằng quyền được sống của con người phải được bảo vệ trên tất cả. Vì vậy, điều quan trọng là Chile cần công lý để trừng trị tội ác nhưng cũng cần sự tha thứ. Thượng nghị sĩ Hernán Larraín, một người từng có thời gian dài ủng hộ Pinochet yêu cầu được tha thứ khi cho biết ông muốn hòa giải. Andrés Chadwick, cố vấn của Pinochet hiện là Bộ trưởng Nội vụ, cho biết ông rất hối tiếc vì từng phục vụ trong chính phủ vi phạm nhân quyền.

Cựu Tổng thống Michelle Bachelet, là nạn nhân của các đòn tra tấn dưới thời Pinochet, đã tổ chức một lễ tưởng niệm tại bảo tàng về Quyền con người. Bảo tàng được khánh thành vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của bà trong năm 2010. Theo bà Bachelet, “Chúng ta đã học được một bài học khủng khiếp và không có ý định lặp lại điều đó”.

Thông qua những buổi triển lãm ảnh, diễn kịch, bảo tàng đã giúp giới trẻ Chile hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử bi thảm của nước này. Richard Brodsky, giám đốc bảo tàng nói “Tất cả nhằm nâng cao ý thức trong xã hội, chúng ta không thể để những hành vi vi phạm quyền con người được lặp đi lặp lại. Họ (chế độ Pinochet) gây ra một vết thương sâu trong xã hội vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay”.

Mạng lưới truyền hình, trong những năm 1970 và những năm 1980 dưới thời cai trị của Pinochet, đã không phát sóng các tin tức cho thấy sự tàn bạo của cảnh sát hoặc các cuộc biểu tình chống chính phủ. Giờ đây, kỷ niệm 40 năm sự kiện này, truyền hình đã sử dụng hàng loạt bộ phim tài liệu lên án mạnh mẽ nhà độc tài Pinochet. Nhiều người tham gia tuần hành tưởng niệm các nạn nhân dưới thời Pinochet cho rằng những lời xin lỗi thật quá đơn giản, khó có thể chấp nhận. Cái khó là làm sao tìm ra tông tích của hơn 1.000 thi thể của những người đã bị nhà nước Pinochet thủ tiêu cũng như đưa ra trước công lý những kẻ tàn sát 3.200 đối thủ chính trị và tra tấn hơn 38.000 người khác.

Những nỗ lực để xác định và truy tố những kẻ sát nhân thay mặt cho chính phủ Pinochet dù sao cũng có một số tiến triển. Tuần trước, gia đình của ca sĩ - nhạc sĩ Victor Jara kiện một người đàn ông ở Florida, Mỹ vì bị cáo buộc bóp cò súng và giết chết ông Jara trong những ngày sau cuộc đảo chính. Gần đây, các thợ lặn đã phát hiện ra đường ray xe lửa ở Thái Bình Dương, cách Santiago hơn 800 km về phía Bắc. Vị trí này do một cựu sĩ quan quân đội của Pinochet tiết lộ trước khi ông qua đời. Tù nhân được cho là bị còng tay để đẩy xuống xe lao theo đường ray chạy ra biển. Nhưng lời thú tội như vậy vẫn còn quá ít. Mỹ, nước hỗ trợ cuộc đảo chính chưa bao giờ cung cấp đầy đủ và rõ ràng tài liệu về sự can dự của họ. Vết thương của người dân Chile sau 40 năm vẫn chưa thể lành.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục