42 doanh nghiệp tham gia, cung ứng 500 mặt hàng

42 doanh nghiệp tham gia, cung ứng 500 mặt hàng

Bình ổn các mặt hàng lương thực - thực phẩm 2015 - 2016

Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là một trong 4 chương trình được TPHCM thực hiện. Với 42 doanh nghiệp (DN) (tăng 5 DN so với năm 2014) tham gia, cung ứng khoảng 500 sản phẩm, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở thành chương trình có quy mô lớn và sản lượng hàng hóa chi phối mạnh mẽ trên thị trường. Với chương trình này, TPHCM sẽ đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chăm lo an sinh xã hội, là cơ sở để thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sản xuất sữa cung ứng hàng bình ổn thị trường tại Công ty Nutifood. Ảnh: CAO THĂNG

Lượng hàng tăng 30% - 35%

Như thông lệ, Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng lương thực, thực phẩm năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 được triển khai từ ngày 1-4-2015, kết thúc vào ngày 31-3-2016, với 10 ngân hàng tham gia tài trợ tín dụng ưu đãi và 42 DN sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa. Về mặt hàng, chương trình năm nay tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Nếu năm 2014, chương trình có bổ sung thêm các mặt hàng như cháo, miến, phở dinh dưỡng chế biến, ăn liền và nước tương thì năm nay chủng loại hàng hóa tiếp tục được mở rộng, rất thiết thực, làm đa dạng các bữa ăn hàng ngày cho người tiêu dùng như gà pha lóc, bún tươi, bánh phở tươi, hủ tiếu tươi, cà chua cô đặc, nha đam, chuối laba, bánh cốm…

  Theo Sở Công thương, điểm mới trong Chương trình bình ổn lương thực, thực phẩm năm nay là TPHCM hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện bình ổn thị trường, bằng cách đăng ký với Sở Công thương về sản lượng và chủng loại hàng hóa để TP phân bổ cho các DN thực hiện, thông qua đầu mối là Saigon Co.op. Ngoài ra, TP cũng sẽ dành một phần nguồn vốn từ chương trình để hỗ trợ các DN tăng cường xuất khẩu hàng hóa thông qua các kênh phân phối như Saigon Co.op, BigC, Lotte Mart, Aeon, Metro… đồng thời TP sẽ tổ chức nhiều chương trình kết nối các HTX với hệ thống thương mại, các khách hàng có nhu cầu nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.  

Về hàng hóa, dựa trên kết quả thực hiện năm 2014 - 2015, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân TP và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng, lượng hàng đăng ký của DN, TPHCM đã phân bổ cho DN thực hiện bình ổn thị trường năm 2015 - 2016, trong đó hàng bình ổn chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường và chiếm 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng tết. So với năm 2014, lượng hàng tăng bình quân 30% - 35%.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, công tác chuẩn bị hàng hóa tham gia CTBOTT 2015 và tết 2016 đã được Saigon Co.op chủ động lên kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo, đầy đủ. Năm nay, Saigon Co.op vẫn tham gia đầy đủ 9 nhóm hàng như các năm vừa qua. Để đảm bảo đủ hàng hóa, Saigon Co.op đang thực hiện việc ứng vốn cho các DN, các HTX vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chương trình. Mặt khác, Saigon Co.op cũng chủ động tổ chức sản xuất để đảm bảo lượng hàng bình ổn đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường và có kế hoạch dự trữ đề phòng thị trường có biến động. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, cho hay, hiện công ty đang gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển nguồn hàng. Năm 2015 là năm thứ 2 công ty tự tổ chức sản xuất và cung ứng 100% lượng trứng gà cho chương trình, thay vì phải đi mua gom như trước đây. Riêng trứng vịt, công ty cũng đã nâng tổng đàn và khả năng cung ứng đạt 50% sản lượng. Ngoài ra, công ty tiếp tục cơ cấu lại toàn bộ các trại chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng thời tiếp tục đầu tư để mở rộng các trại gà đẻ trứng. Cuối năm 2014 vừa qua, công ty đã đầu tư dây chuyền và thực hiện thử nghiệm việc đưa các loại trứng gia cầm vào chế biến theo dạng ăn liền, vừa giải quyết được lượng hàng không tiêu thụ kịp (nếu có) vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, việc triển khai Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm năm nay tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất, số lượng và thành phần các DN tham gia chương trình rất đa dạng. Đáng lưu ý, hầu hết các DN đều có thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các ngân hàng cam kết dành cho chương trình với lãi suất hợp lý lên tới 11.850 tỷ đồng, là điều kiện tốt cho các DN tăng cường đầu tư, liên kết các tỉnh, thành phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP.

Tạo điều kiện cho DN phát triển điểm bán

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, công tác phát triển điểm bán mới, đồng thời nâng cấp các điểm bán hiện hữu là một trong những công tác trọng điểm của chương trình bình ổn năm nay. Để thực hiện được mục tiêu này, tại Quyết định số 1348/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng ký, ban hành ngày 27-3-2015 về Kế hoạch thực hiện CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2015 và Tết Bính Thân 2016. Hiện đã phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành chức năng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN mở rộng, phát triển điểm bán. Theo đó, TP cũng khuyến khích DN tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, KCN-KCX, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn TP; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.

Chế biến thực phẩm cung ứng hàng bình ổn thị trường tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM sẽ đẩy mạnh chương trình hợp tác giữa DN bình ổn thị trường với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn TPHCM để phát triển các cửa hàng liên kết thanh niên, cửa hàng liên kết phụ nữ gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng số lượng, chủng loại hàng hóa bình ổn tại các cửa hàng này. TP cũng khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình, chấp hành các quy định và chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng bình ổn thị trường trong chương trình.

UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho DN tham gia chương trình đầu tư phát triển cửa hàng, siêu thị; hỗ trợ phát triển điểm bán bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống, trong đó ưu tiên phân phối những mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) nhằm đưa hàng bình ổn vào các bếp ăn tập thể nhằm ổn định giá cả và chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày của công nhân.

Tại hội nghị sơ kết CTBOTT năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015 - Tết Bính Thân 2016, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: năm 2015 là năm thứ 14 TPHCM triển khai thực hiện CTBOTT nhưng lại là năm thứ 3 TP thực hiện bình ổn theo cơ chế mới. Về cơ bản chương trình đang vận hành khá suôn sẻ, nguồn vốn thực hiện rất dồi dào. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các sở, ngành chức năng để tìm biện pháp giải quyết kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN thực hiện chương trình, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Kế hoạch sản lượng 9 nhóm mặt hàng cung ứng

* Lương thực: tháng thường 6.513,6 tấn/tháng, tăng 159,5% so kết quả thực hiện năm 2014; tháng tết 5.877,1 tấn/tháng, tăng 75,3% so tháng Tết Ất Mùi 2015.

* Đường RE, RS: tháng thường 2.420 tấn/tháng, tăng 29,3%; tháng tết 3.355 tấn/tháng, tăng 44,8%.

* Dầu ăn: tháng thường 898,6 tấn/tháng, tăng 14,5%; tháng tết 1.401,4 tấn/tháng, tăng 7,7%.

* Thịt heo: tháng thường 4.560,6 tấn/tháng, tăng 61,5%; tháng tết 5.268,5 tấn/tháng, tăng 81,6%.

* Thịt gia cầm: tháng thường 8.650,9 tấn/tháng, tăng 36,6%; tháng tết 9.181 tấn/tháng, tăng 26,9%.

* Trứng gia cầm: tháng thường 30,66 triệu quả/tháng, tăng 36%. tháng tết 38,91 triệu quả/tháng, tăng 37,5%.

* Thực phẩm chế biến: tháng thường 1.470,5 tấn/tháng, tăng 1,4%; tháng tết 2.481,8 tấn/tháng, tăng 129%.

* Rau - củ - quả: tháng thường 4.721 tấn/tháng, tăng 37%; tháng tết 8.062 tấn/tháng, tăng 26,2%.

* Thủy - hải sản: tháng thường 534,4 tấn/tháng, tăng 67,9%; tháng tết 678,3 tấn/tháng, tăng 17,1%.

THÁI NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục