5 năm Việt Nam gia nhập WTO - Làn gió mới cho thương mại, dịch vụ phát triển

Nâng tính cạnh tranh...
5 năm Việt Nam gia nhập WTO - Làn gió mới cho thương mại, dịch vụ phát triển

Hội thảo “5 năm gia nhập WTO - Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ Việt Nam hội nhập và phát triển” vừa được tổ chức tại TPHCM mới đây đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Nhiều đại biểu đã tham gia góp ý đánh giá, nhìn lại chặng đường sau 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO và từ đó đưa ra những đề xuất định hướng phát triển đến năm 2015…

Khách mua hàng tại Lotte mart ở quận 11. Ảnh: Kim Ngân

Khách mua hàng tại Lotte mart ở quận 11. Ảnh: Kim Ngân

Nâng tính cạnh tranh...

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về gia nhập WTO cho biết, lúc đó Việt Nam được UNTAD xếp vào nước thứ 6 có môi trường hấp dẫn đầu tư và thương mại đã tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Do vậy, ngay khi gia nhập WTO, Việt Nam đã nhanh chóng thu hút được lượng vốn lớn đầu tư từ nước ngoài.

Năm 2006 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký là 10 tỷ USD thì được tăng lên khi Việt Nam gia nhập WTO lần lượt từ năm 2007 đến nay là 21,3 tỷ USD; 64 tỷ USD; 23 tỷ USD; 18 tỷ USD và năm 2011 là 15 tỷ USD. Xuất khẩu cũng liên tục tăng, năm 2007 đạt trên 48 tỷ USD, năm 2008 đạt 62 tỷ USD, năm 2009 đạt 57 tỷ USD, năm 2010 đạt 72 tỷ USD và năm 2011 đạt 96 tỷ USD. Ngay năm 2008, dù kinh tế thế giới khủng hoảng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong 20 nước tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận những yếu kém để khắc phục như do nóng vội nên tăng trưởng tín dụng có năm tới 52% dẫn đến đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, tạo ra lạm phát cao. Do vậy, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước; xây dựng chiến lược hội nhập lâu dài định hướng cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; tranh thủ công nghệ tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, thoát khỏi cái bẫy trung bình.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thì nhận định lạc quan hơn: Trước khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối bán lẻ theo cam kết của WTO, có nhiều ý kiến lo ngại các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm bán hàng hiện đại sẽ tràn vào làm sụp đổ kênh bán lẻ truyền thống trong nước.

Thế nhưng, sau 5 năm gia nhập WTO cho thấy có một luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và còn là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vươn lên, chấp nhận và sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Mặc dù, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành bán buôn bán lẻ Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, riêng năm 2010 có 177 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong toàn bộ 1.237 dự án hiện có với tổng vốn đăng ký là 462 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh và lớn mạnh.

Hướng đến dịch vụ tri thức

Cũng như các nước phát triển khác, khi nói đến dịch vụ, mọi quốc gia đều hướng đến phát triển các dịch vụ dựa trên tri thức, hay còn gọi là dịch vụ kinh doanh chiến lược. Cụ thể là dịch vụ phát triển phần mềm, xử lý thông tin, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ kỹ thuật, marketing, quản trị kinh doanh và dịch vụ phát triển nguồn nhân lực. Hiện các dịch vụ này đang phát triển với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm tại các nước phát triển.

Ở Việt Nam, nếu thiếu năng lực trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với rủi ro mất thị trường dịch vụ vào tay các đối thủ trong khu vực. Do vậy, theo các đại biểu tham dự hội thảo, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng trong khu vực dịch vụ bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2010-2015.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần tập trung phát triển các lĩnh vực tiềm năng như: du lịch, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, xuất khẩu lao động, chuyển dịch cơ cấu ngành và tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP của cả nước; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển. Đồng thời, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng… Cuối cùng là bên cạnh việc mở cửa thị trường theo cam kết quốc tế, Việt Nam cần tăng cường vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành dịch vụ, đáp ứng trên 30% vốn bằng nguồn FDI.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục