20-2-2012 đánh dấu đúng 50 năm ngày nước Mỹ thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa người vào quỹ đạo. Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử này hiện để lại cho các chuyên gia hàng không vũ trụ của Mỹ những cảm xúc vui buồn lẫn lộn: là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa người đặt chân lên Mặt trăng, nhưng nước Mỹ lại đang phụ thuộc vào Nga trong các chuyến tàu có người lái bay vào không gian.
Cuộc đua vào vũ trụ?
Năm 1609, Galileo Galilei là người đầu tiên dùng kính viễn vọng do ông tự chế để quan sát vũ trụ. Nhưng phải đến thế kỷ XX, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, con người mới khám phá một số bí ẩn của vũ trụ. Từ đó, nhiều nước lớn bắt đầu để mắt đến các hành tinh xa xôi vì việc đưa người bay vào vũ trụ trong điều kiện không trọng lực có thể giúp tiến hành nghiên cứu nhiều vấn đề mà ở trên Trái đất không thể thực hiện được.
Ngoài ra, từ vũ trụ, người ta có thể quan sát và nghiên cứu hành tinh xanh nhằm phục vụ nhu cầu kinh tế, văn hóa và xã hội của loài người. Mỹ và Liên Xô (cũ), 2 cường quốc phát động Chiến tranh lạnh, đã chuyển từ chạy đua vũ trang sang chạy đua công nghệ vũ trụ.
Tờ Paris Match từng kể một câu chuyện chứng tỏ sự quyết tâm của người Mỹ muốn chiến thắng người Liên Xô: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi mới 9 tuổi học lớp 3, đã nói to trong lớp rằng: “Chúng ta phải học thật giỏi để vượt người Nga”. Thế nhưng, lịch sử ghi nhận người Mỹ đã chậm chân hơn người Nga khi đưa người vào không gian.
Vào lúc 9 giờ 47 phút sáng (giờ địa phương) ngày 20-2-1962, trong lần bay thử nghiệm thứ 11 tại Cape Canaveral, bang Florida, tàu không gian Friendship 7 đã đưa phi hành gia John Glenn bay thành công 3 vòng quanh quỹ đạo Trái đất trong 5 giờ. Có thể nói đây là chuyến bay khôi phục niềm tin của người dân Mỹ trong cuộc chạy đua chinh phục không gian bởi trước đó 1 năm, nhà du hành Yuri Gagarin của Liên Xô đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chuyến bay đem lại vinh quang cho ông Glenn, được người Mỹ xem là anh hùng dân tộc. Dù năm nay đã 90 tuổi, nhưng cựu phi hành gia từng là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ này vẫn không quên ý nghĩa chính trị của sứ mệnh trên. Ông nhớ lại mình đã nỗ lực gạt sang một bên những nỗi lo sợ về rủi ro chết người để hoàn tất sứ mệnh. “Vì vào thời điểm đó, Liên Xô tuyên bố rằng họ đã đạt được kỹ thuật cao hơn, tên lửa đẩy của họ cũng hơn hẳn tên lửa của chúng tôi”, ông Glenn phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17-2.
Cựu phi hành gia Scott Carpenter, người Mỹ thứ 2 bay quanh quỹ đạo Trái đất ngày 24-5-1962, cho biết những chuyến bay như thế đã dọn đường cho việc người Mỹ đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng 7 năm sau đó (tháng 7-1969). “Hai thành công này đã giúp người dân chúng tôi nhận thức rằng, mặc dù nước Mỹ chậm chân hơn Liên Xô nhưng chúng tôi có thể vượt lên và đạt được thành tựu mà Tổng thống John F. Kennedy đã giao phó là đặt chân lên Mặt Trăng trước họ”, ông Carpenter nói.
Mặt đất vẫn níu “cánh” nước Mỹ
Đó là niềm tự hào trong quá khứ của 2 anh hùng đã đặt nền móng cho khát vọng chinh phục vũ trụ của người Mỹ. Nhưng ở hiện tại, cả ông Glenn và ông Carpenter lại lo ngại trước việc Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) không còn duy trì các chuyến bay có người lái vào không gian sau khi đội tàu con thoi “nghỉ hưu” vào tháng 7-2011. Thay vào đó, trong những chuyến bay sau này đưa người lên Trạm không gian quốc tế (ISS), Mỹ đều sẽ phải thuê tàu con thoi Soyuz của Nga.
Dù nhỏ hơn các tàu con thoi trước đây của Mỹ, và chi phí lên đến 56 triệu USD phải trả cho Nga để đưa một phi hành gia lên ISS, nhưng như thế vẫn còn rẻ hơn rất nhiều lần chi phí vận hành tàu con thoi và độ an toàn thì hơn hẳn. Nếu tách ra khỏi tàu con thoi này, nước Mỹ sẽ không còn phương tiện vận tải vũ trụ nào để xây dựng trạm không gian của riêng họ trong tương lai.
Vào thời điểm năm 2001, lúc Tổng thống George W. Bush lên nhậm chức, NASA sở hữu đội ngũ phi hành gia đến 150 người. Đến tháng 10-2009, khi hầu hết tàu con thoi đến tuổi “nghỉ hưu”, chỉ còn lại duy nhất tàu Atlantis, nhiều phi hành gia và các chuyên gia nghiên cứu vũ trụ đã rời NASA. Con số phi hành gia Mỹ lúc đó chỉ còn lại 92 người, và đến thời điểm hiện nay là 61 người.
Chính quyền của Tổng thống Bush đã hy sinh tham vọng không gian bằng việc cắt giảm tài trợ cho NASA để đầu tư vào các cuộc chiến. Chính vì thế, NASA hiện đang phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ doanh nghiệp tư nhân để tiến hành các chương trình nghiên cứu và phát triển thế hệ tàu vũ trụ mới, có khả năng bay xa hơn tàu con thoi. Một phần của kế hoạch đó là việc tập đoàn Space X của Mỹ dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên lên ISS vào ngày 20-3 tới.
Trong năm tài khóa 2012, NASA dự tính chỉ xin Quốc hội Mỹ duyệt kinh phí 84 triệu USD để chi cho các hoạt động đưa người lên quỹ đạo – mức sụt giảm so với năm 2010, vốn đã giảm mạnh so với những năm trước đó. Tương lai của ngành nghiên cứu vũ trụ của Mỹ chưa biết đi về đâu thì gần đây, Trung Quốc lại đầu tư mạnh vào kế hoạch đưa người tới Mặt trăng.
Sách trắng về hàng không vũ trụ năm 2011 của Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch thám hiểm không gian 5 năm đầy tham vọng, gồm các mục tiêu đưa người lên Mặt trăng và xây trạm không gian của riêng mình. Điều này là đòn tâm lý nặng nề đối với ngành hàng không vũ trụ Mỹ, quốc gia đang lún sâu vào các cuộc chiến trên mặt đất.
Thanh Hải