554 triệu USD phát triển giao thông ĐBSCL

Sáng 10-8, tại Cần Thơ, Bộ GT-VT tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL (WB5), giai đoạn 2007- 2016”.
554 triệu USD phát triển giao thông ĐBSCL

(SGGPO).- Sáng 10-8, tại Cần Thơ, Bộ GT-VT tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL (WB5), giai đoạn 2007- 2016”.

Theo đó, dự án WB5 gồm 4 hợp phần A, B, C và D với tổng mức vốn đầu tư hơn 554 triệu USD; trong đó vốn vay IDA là 359,57 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của GOA ủy thác qua WB là 45 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước hơn 149,8 triệu USD.

Nhiều đường giao thông ở Cần Thơ được đầu tư xây mới khang trang

Từ năm 2007 đến nay, hợp phần A đã thực hiện việc nâng cấp hơn 54 km đường thuộc quốc lộ 53 và 54 ở tỉnh Trà Vinh, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; xây 3 cây cầu Ba Si, Bến Có và Đại An ở Trà Vinh; xây cầu Trà Nóc, Sang Trắng 1 và Sang Trắng 2 ở Cần Thơ; nâng cấp 7 km quốc lộ 91 đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng đoạn thuộc Cần Thơ. Ở hợp phần B, nâng cấp 253 km hành lang đường thủy số 2 xuyên Đồng Tháp Mười – Tứ giác Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa, với khối lượng nạo vét hơn 10 triệu m³; nâng cấp 103 km hành lang đường thủy số 3 duyên hải phía Nam đạt tiêu chuẩn cấp III đường thủy nội địa (qua tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu); xây 20 cây cầu và xây âu thuyền Rạch Chanh. Đối với hợp phần C, xây dựng hơn 70 cây cầu ở các tỉnh ĐBSCL; nâng cấp nhiều tuyến đường ở Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang… đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp V đồng bằng. Riêng hợp phần D, gồm các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật được hoàn thành đúng hạn, chất lượng đáp ứng yêu cầu…

Nhiều tuyến quốc lộ ở ĐBSCL được mở rộng

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL phát triển. Dự án WB5 mang lại những kết quả nhất định, cải thiện điều kiện giao thông thủy và bộ ở ĐBSCL, kết nối những vùng còn khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc… có đường thông thương ra các trung tâm; ngoài ra còn khai thông tuyến đường thủy huyết mạch từ TPHCM và các tỉnh ĐBSCL… Dù vậy, quá trình thực hiện gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng, đơn giá bồi thường; một số nhà thầu chưa có kinh nghiệm khi tham gia các gói thầu theo thủ tục của Ngân hàng Thế giới… Hiện việc vận chuyển hàng hóa ở ĐBSCL còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ, điển hình như muốn xuất khẩu trái cây hoặc thủy sản… từ ĐBSCL sang thị trường Trung Quốc phải vượt hơn 2.000 km đường bộ, tốn kém nhiều về chi phí. Do đó, tới đây cần tính toán phát triển mạnh hơn về đường thủy nhằm giảm áp lực lưu thông đường bộ và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ở vùng ĐBSCL…

        HUỲNH LỢI 

Tin cùng chuyên mục