“6 chương trình đột phá” Đảng bộ TPHCM đề ra: Làm quyết liệt, đồng bộ sẽ tạo sự bứt phá

6 chương trình đột phá
“6 chương trình đột phá” Đảng bộ TPHCM đề ra: Làm quyết liệt, đồng bộ sẽ tạo sự bứt phá

Sau khi nghe Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đọc Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), trong đó TPHCM sẽ tập trung huy động nguồn lực thực hiện 6 chương trình đột phá, PV Báo SGGP đã trao đổi với một số chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học ở TPHCM về 6 chương trình này.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

  • GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT TPHCM): Phạt nặng các vi phạm gây ô nhiễm môi trường

Về nguyên nhân chính gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống trên địa bàn TPHCM, tôi cho có mấy vấn đề gây ra: Mật độ dân số quá cao (gần 10 triệu người), cách sống và sinh hoạt đa dạng, mật độ giao thông cao… dẫn đến sự gia tăng ngày càng nặng ô nhiễm không khí, nước và đất. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển chưa chú trọng đúng mức việc xử lý chất thải độc hại. Việc xử lý lại chưa nghiêm, các hình thức chế tài quá nhẹ.

Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường, tôi đề nghị cần có nghiên cứu công trình quan trắc lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn một cách nghiêm túc, huy động những phòng kiểm nghiệm có chất lượng, kiểm soát thật chặt các nguồn xả thải từ các hoạt động công, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ hai bên bờ có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Các biện pháp lấy mẫu kiểm tra phải được thực hiện đúng quy cách. Các khu công nghiệp bắt buộc phải xử lý đúng quy cách chất thải, nước thải, khí thải, có kết quả ghi chép tự động. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại ngoài khu công nghiệp trên địa bàn định kỳ phải có báo cáo tác động môi trường. Quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện công tác hậu kiểm. Các đơn vị chuyên xử lý chất thải phải được giám sát thường xuyên. Về rác thải sinh hoạt nên xúc tiến việc phân loại rác ngay tại địa bàn dân cư. Tăng cường công tác giám sát, phạt nặng các vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

  • Th.S Trương Hoàng Linh (Trường Đại học Tự nhiên TPHCM): Bố trí đúng người, đúng việc

Về Chương trình cải cách hành chính, tôi đồng tình quan điểm phải đặc biệt coi trọng việc “phát huy đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực”. Tuy nhiên, để phát huy đội ngũ này, một vấn đề quyết định đến sự thành bại là bố trí đúng người, đúng việc. Việc căn cứ vào năng lực, phẩm chất, lứa tuổi, giới tính của cán bộ để bố trí vào vị trí phù hợp trước hết tạo cho họ sự hứng thú, niềm say mê sáng tạo trong công tác. Muốn vậy, bố trí và sử dụng cán bộ đòi hỏi tuân thủ theo nguyên tắc: khách quan, trung thực và vì công việc chung. Thiên vị hay đố kỵ sẽ dẫn đến không bố trí đúng người, đúng việc. Việc bố trí sai cán bộ chẳng những không khai thác hết phẩm chất, năng lực của họ mà còn gây trì trệ trong công tác, làm cho cán bộ đó kém phấn khởi, dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Tôi cho rằng trong bố trí đúng cán bộ rất cần đến sự kiên quyết của cấp có thẩm quyền. Nếu thấy cán bộ làm được việc và có năng lực, có phẩm chất thì đưa họ vào vị trí thích hợp, còn nếu cán bộ kém năng lực hay phẩm chất, không phù hợp với công việc cũng cần đưa ra khỏi vị trí đó. Ai cũng biết, vị trí của mỗi cán bộ, nhất là vị trí của người lãnh đạo, quản lý luôn luôn gắn liền, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với kết quả và lợi ích chung của đơn vị. Mấy năm gần đây, việc bố trí cán bộ ở một số nơi còn tình trạng nể nang, cục bộ địa phương và không ít cán bộ dù không làm được việc vẫn tìm cách giữ ghế. Trong sử dụng cán bộ, nhiều lúc cũng cần phải tôn trọng cá tính nếu cá tính đó không hại cho công việc và cho tập thể. Chuyện này tuy nhỏ nhưng trong một vài tình huống bố trí và sử dụng cán bộ thì lại hết sức quan trọng. Vấn đề là thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ cán bộ không bị tha hóa, biến chất.

  • PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM): Cần xem lại chỉ tiêu 1% dành cho nông nghiệp

Trong Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tôi nhất trí với nội dung “phát triển nhanh các ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao” và “phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái”. Hiện nay, dịch vụ của TPHCM trong dự thảo ghi là 57% (hoặc có thể là cao hơn nữa trong tương lai) là một định hướng đúng, bởi chỉ có dịch vụ mới tạo ra sự tăng trưởng cao và giải quyết được lực lượng lao động gia tăng từng năm, nhưng để có được một xã hội dịch vụ như Singapore thì TPHCM cần phải tập trung toàn lực xây dựng cho được mô hình xã hội dịch vụ chậm nhất là đến năm 2020 và kiên quyết làm cho được 3 điều: đầu tư cơ sở vật chất tương ứng, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, thái độ hành xử của xã hội dịch vụ.

Bên cạnh đó, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ lại phần “tam nông” vì xóa bỏ hết “tam nông” sẽ là một tai họa khôn lường. Cơ cấu kinh tế vào năm 2015 mà nông nghiệp ở TPHCM chỉ còn 1% là không hợp lý trong khi dân cư ngoại thành còn hơn 1 triệu người cùng với hơn 60% diện tích toàn thành, do vậy cần phải cân nhắc kỹ chỉ tiêu này bởi muốn phát triển TPHCM thành một đô thị bền vững thì phải phát triển căn cơ, tạo ra sự phát triển cân bằng giữa nội và ngoại thành để giãn dân và tăng chất lượng cuộc sống người dân.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu... trên dây chuyền SMT tại Công ty cổ phần điện tử Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu... trên dây chuyền SMT tại Công ty cổ phần điện tử Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

  • TS Hồ Long Phi (Trường Đại học Bách khoa TPHCM): Đưa tiêu chí chống ngập vào đồ án quy hoạch đô thị

Đọc nội dung Chương trình giảm ngập nước, tôi cho đại hội đặt vấn đề này là rất trúng, rất đúng và hợp lòng dân. Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà cho đến thời điểm hiện nay TPHCM vẫn còn tới khoảng 100 điểm ngập… như cách đây gần 10 năm - lúc thành phố mới triển khai mạnh mẽ các chương trình, công trình chống ngập. Cũng không phải các chương trình, công trình chống ngập mà thành phố đang triển khai không mang lại hiệu quả. Hiện nay, số điểm ngập ở các quận nội thành cũ như quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận… đã giảm khoảng 20% do các dự án chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Hàng Bàng… đã bắt đầu phát huy hiệu quả (dù 1 - 2 năm nữa mới cơ bản hoàn thành). Số điểm ngập của TPHCM vẫn đứng mãi ở con số ngấp nghé 100 là do các quận huyện ven như quận 7, 12, Gò Vấp, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… trước đây chưa hề ngập nay đã bắt đầu… ngập. Thậm chí, các quận huyện này còn là nơi có số điểm ngập mới phát sinh nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Tại sao có tình trạng này? Đó là do công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Nhiều khu vực của các quận huyện ven này do san lấp kênh, rạch, bê tông hóa đã chặn mất hướng thoát nước hoặc làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên... Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ cần phải đưa các tiêu chí, các yêu cầu chống ngập, tích hợp vào đồ án quy hoạch phát triển đô thị ngay trong quá trình nghiên cứu thiết lập đồ án. Sau khi đã có một đồ án quy hoạch hoàn chỉnh thì bản quy hoạch này phải là cơ sở, là tiêu chí quan trọng để quản lý và phát triển đô thị.

  • TS Lê Văn In (Chuyên gia hành chính): Sự đầu tư khôn khoan

Tôi rất tâm đắc 6 chương trình đột phá mà TPHCM đã chọn để tạo bước chuyển biến thật sự trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt là chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động chất lượng cao như dự thảo văn kiện đã xác định thì trước hết TP phải xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực rõ ràng hơn. Một chiến lược đào tạo nhân lực rõ ràng và có tầm nhìn sẽ giúp cho TP chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư, đào tạo nhân lực được thuận lợi.

Qua đó, TP cũng cho cán bộ công chức thấy rõ một chính sách đào tạo nhân lực ổn định chứ không chỉ là những ngẫu hứng nhất thời. Bên cạnh đó, cần gắn hiệu quả đào tạo với nâng cao năng lực làm việc, lấy thực tiễn công việc để thiết kế nội dung, chương trình đào tạo là một cách làm khôn ngoan, hiệu quả. TP nên chọn đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước hết từ chính đội ngũ tham mưu chính sách ở quận huyện, sở ngành và cấp TP bởi đây vẫn còn là khâu yếu. Cần thiết, cho họ học tập các khóa đào tạo chuyên nghiệp trong, ngoài nước để chuẩn hóa dần và nâng cao trình độ. Khi việc đầu tư hiệu quả, TP sẽ có được đội ngũ cán bộ đủ tầm. Chính những cán bộ này sẽ là lực lượng xung kích, tạo ra sự đột phá cho những lĩnh vực khác.

6 chương trình đột phá

1- Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

2- Chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

3- Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố tập trung nguồn lực, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái.

4- Chương trình giảm ùn tắc giao thông: phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên giao thông công cộng sức chở lớn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

5- Chương trình giảm ngập nước tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố (khoảng 100 km2). Đến giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết cơ bản ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của thành phố.

6- Chương trình giảm ô nhiễm môi trường tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; khắc phục những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng cường cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, tiểu đảo, công viên…

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục