(SGGP).- Ngày 12-4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, thành viên các hội đồng tư vấn của UBMTTQ Việt Nam.
Tại hội nghị, các ý kiến góp ý đề cập đến nhiều lĩnh vực trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Đất đai cần làm rõ chủ sở hữu đất, đại diện chủ sở hữu, những nhiệm vụ và quyền hạn của đại diện chủ sở hữu. Đáng chú ý, hầu hết các ý kiến đều xoay quanh vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. GS Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật, cho rằng việc bồi thường tái định cư phải tạo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn cho người sử dụng đất so với trước khi thu hồi. Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, cũng đề nghị việc đền bù đất đai phải đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân trong đó có trách nhiệm đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Còn theo ông Lù Văn Que, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về dân tộc, tại Điều 154 quy định về đất tín ngưỡng mới chỉ đề cập tới đất tín ngưỡng đối với dân tộc Kinh, các dân tộc miền xuôi, còn đất tín ngưỡng đối với các đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đề cập. Vì vậy, cần xem xét và bổ sung cụm từ “đất tín ngưỡng của các cộng đồng dân tộc” vào sau cụm từ “nhà thờ họ” tại Điều 154.
GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn kiến nghị bỏ “thu hồi đất”, thay vào đó luật định sử dụng cụm từ “trưng mua, trưng dụng đất” phù hợp trong từng trường hợp nhà nước lấy đất của dân phục vụ cho lợi ích quốc gia hay lợi ích công cộng. Khi đó, cần bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là trong khâu định giá đất khi nhà nước trưng mua, trưng dụng đất. TS Nguyễn Quang Thái, Hội đồng Tư vấn kinh tế cũng cho rằng, quy định thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội nên bỏ vì dễ bị lạm dụng. Ngoài ra, cần hạn chế thu hồi đất vì các mục đích do dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Ngay cả việc thu hồi đất vì an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai cũng phải đền bù xứng đáng dựa trên tư vấn bồi thường độc lập. Luật phải quy định để làm sao có sự đồng thuận giữa bên thu hồi và bên bị thu hồi. GS Nguyễn Lang bổ sung, cần phải làm rõ hơn việc không giao cho hệ thống cơ quan hành pháp quyền được thu hồi đất mà chỉ được quyền trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết.
Các ý kiến còn đề cập tới những nội dung mà đông đảo nhân dân quan tâm như: nguyên tắc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tư vấn và định giá đất; giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai....
*Tính đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được trên 6 triệu ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; hiện Bộ đang chuẩn bị để Chính phủ báo cáo Quốc hội về tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cung cấp tại cuộc họp báo do Bộ tổ chức về kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I và các nhiệm vụ trọng tâm của quý II-2013.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết thêm, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất là quy định về thu hồi đất, tái định cư. “Riêng về chủ đề này Bộ đã tổ chức 2 hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý. Bộ cũng đã tổ chức 4 hội thảo lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại các khu vực Đông Nam bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Bắc bộ và Trung bộ.
Theo chương trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5 tới.
Lâm Nguyên - Anh Phương