67,8% người tiêu dùng gặp vấn đề sau khi mua thực phẩm

Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội vùng Nam bộ vừa công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 (2015-2016) dự án “Tăng cường hỗ trợ bảo vệ quyền lợi: Nghiên cứu và truyền thông thay đổi hành vi ngành thực phẩm chế biến”.
67,8% người tiêu dùng gặp vấn đề sau khi mua thực phẩm

Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội vùng Nam bộ vừa công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 (2015-2016) dự án “Tăng cường hỗ trợ bảo vệ quyền lợi: Nghiên cứu và truyền thông thay đổi hành vi ngành thực phẩm chế biến”.

Dự án đã tiến hành khảo sát 1.000 người tiêu dùng (NTD) đối với 5 nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến thiết yếu được sử dụng hàng ngày gồm nước giải khát; sữa và chế phẩm từ sữa; chế phẩm từ thịt, cá; chế phẩm từ gạo, ngũ cốc, nước chấm các loại. Kết quả cho thấy, có tới 67,8% NTD từng gặp các vấn đề sau khi mua các loại thực phẩm. Cụ thể, có đến 39,5% số người đã mua phải sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, tiêu chuẩn đăng ký; 22,4% mua phải hàng giả, hàng nhái; 22% mua phải sản phẩm bị hỏng hoặc hết hạn sử dụng; 18,55% mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; 13,1% mua phải sản phẩm có số lượng ít hơn so với công bố…

67,8% người tiêu dùng gặp vấn đề sau khi mua thực phẩm. Ảnh minh họa

Điều đáng quan tâm là nhận thức của NTD về luật và các tổ chức hỗ trợ bảo vệ quyền lợi NTD còn hạn chế. Trong 1.000 NTD được khảo sát, có tới 48% trả lời có biết luật và chỉ 39% biết đến các tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình. Khi mua sản phẩm khuyết tật, thiếu trọng lượng hoặc không đạt chất lượng có tới 76% NTD chuyển sang dùng sản phẩm khác mà không có ý kiến phản ánh trực tiếp với nhà sản xuất...

Tại buổi công bố kết quả trên, nhiều diễn giả nhìn nhận, thực phẩm chế biến được xác định là lĩnh vực có nhiều vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm, xâm phạm đến quyền lợi NTD. Mặc dù các bộ luật liên quan đã được ban hành nhưng mức độ vi phạm, xâm hại quyền lợi NTD không giảm, trong khi số lượng vụ việc được phản ánh và giải quyết còn rất hạn chế. Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, các diễn giả khuyến nghị từng bước chuyển dần từ khung tổng quát sang luật quy định chi tiết hơn, xây dựng quy trình phản biện độc lập và tăng cường vai trò thẩm định luật của Quốc hội thông qua việc tăng dần các đại biểu chuyên trách; rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể của các luật và văn bản dưới luật, bao gồm các quy định về tính ưu tiên bảo vệ quyền lợi NTD. Xây dựng Luật Truyền thông để quy định thống nhất các nội dung truyền thông nâng cao nhận thức của NTD, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

UYỂN NHƯ

Tin cùng chuyên mục