7 ngày không mong đợi

Trong tuần đầu tiên của năm mới, thế giới tiếp tục phải hứng chịu những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Mưa tuyết và băng giá tiếp tục làm gián đoạn giao thông và cuộc sống tại hầu hết các nước châu Âu, châu Á. Tại Australia và New Zealand, mưa bão gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Những nghiên cứu mới nhất nhận định, hiện tượng này có sự liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Và các nhà khoa học còn cảnh báo tình trạng thời tiết thất thường sẽ còn tăng trong năm nay và những năm tiếp theo. Thế nhưng cho đến nay, cả thế giới chưa có một nỗ lực đáng kể nào để giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Tình hình thời tiết khắc nghiệt đã làm mùa màng tại nhiều nước thất thu khiến thế giới có nguy cơ “sôi lên” vì những cơn bão giá lương thực trong năm 2011. Báo cáo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), chỉ số giá lương thực của LHQ trong tháng cuối cùng của năm 2010 vượt qua mức cao kỷ lục vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008.

Các nhà phân tích nói rằng, ngoài vấn đề môi trường, dân số thế giới đang tăng nhanh, việc hạn chế xuất khẩu lương thực của nhiều nước, nhu cầu tăng lên đối với nhiên liệu sinh học khiến cung không đủ cầu và làm thị trường lương thực thế giới bị rối loạn.

Lời cảnh báo này được đưa ra vào thời điểm lạm phát đang là thách thức với các quốc gia phát triển và đang phát triển. Lạm phát lương thực ở nhiều nước châu Á đã ở mức 2 con số. Tại khu vực đồng euro, tỷ lệ lạm phát trong khu vực đã lên tới mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, là 2,2% và điều này làm dấy lên lo ngại rằng sức ép về giá có thể lan rộng hơn, ảnh hưởng tới các ngành khác và đặt ra mối đe dọa tới kinh tế và ổn định xã hội.

Bất ổn về kinh tế xã hội lại đang thách thức nỗ lực chống khủng bố của toàn thế giới. Năm 2011 mới trôi qua có 7 ngày mà thế giới đã chứng kiến hoàng loạt vụ khủng bố từ Á đến Âu. Khủng bố ở châu Âu không còn xuất phát từ các thế lực ở nước ngoài mà xuất phát từ trong lòng châu Âu.

Các nhà nghiên cứu xã hội nhận định nguyên nhân do kinh tế trì trệ dẫn đến bất ổn xã hội và khủng bố là “lối thoát” của các phần tử cực đoan. Tại Nam Á, khủng bố đến từ lực lượng Taliban tiếp tục làm tình hình Afghanistan, Pakistan bất ổn, đặt cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ dường như ngày càng khó khăn, bởi các lực lượng này không chỉ chống Mỹ mà còn chống lại chính phủ do Mỹ ủng hộ.

Điểm sáng chính trị trên thế giới lại xảy ra ở một địa điểm ít ai ngờ tới bán đảo Triều Tiên. Lập trường hướng đến đối thoại trên bán đảo Triều Tiên đang dần thay cho tình trạng “bên bờ vực chiến tranh” trước đó, khi các bên đều kêu gọi dàn xếp căng thẳng thông qua ngoại giao. Ngược lại, một điểm nóng khác trên thế giới là Bờ Biển Ngà vẫn chưa có lối thoát, đe dọa một cuộc nội chiến mới ở đất nước Tây Phi này.

Cuối năm 2010, nhiều nhà phân tích hy vọng một năm 2011 sẽ tươi sáng hơn. Thế nhưng, mới qua 7 ngày đầu của năm 2011, thế giới chứng kiến nhiều biến động địa chính trị, kinh tế lớn. Những sự kiện này khởi nguồn từ nhiều năm qua và báo hiệu một năm 2011 không bình yên. Có lẽ, đó là 7 ngày không mong đợi. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục