(SGGPO).- Ngày 29–9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945 - 2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VI. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương và đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh tiêu biểu đã tham dự.
Diễn văn tại lễ kỷ niệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, 70 năm đồng hành cùng dân tộc, tuy đạt được kết quả rất đáng tự hào nhưng so với yêu cầu phát triển đất nước, GD-ĐT nói chung, công tác thi đua, khen thưởng của ngành nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất về GD-ĐT.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Bộ GD-ĐT
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ngay từ ngày đầu thành lập nước năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, "diệt giặc dốt", coi đây là khâu đột phá để nâng cao dân trí. Phong trào Bình dân học vụ đã đạt được kết quả quan trọng trong việc xóa mù chữ; ngành giáo dục có sự phát triển và thay đổi về chất; bước đầu hình thành xã hội học tập. Trong những năm đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, cùng với nhân dân cả nước, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, nhân viên ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng vừa phục vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam và chuẩn bị nguồn lực cho công cuộc tái thiết đất nước sau ngày thống nhất. Hàng nghìn thầy giáo, cô giáo đã xung phong ra mặt trận, và hàng trăm ngàn học sinh đã tiếp nối tấm gương của các thầy, các cô để đi theo tiếng gọi của chính nghĩa, cầm súng bảo về Tổ quốc, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.
“Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, cứ 1 triệu người dân mới có 32 người có trình độ cao đẳng, đại học thì ngày nay, cả nước có một “đạo quân” khổng lồ với hơn 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đến trường. Gần 1/3 dân số Việt Nam trên khắp mọi miền của đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo và các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang hàng ngày, hàng giờ tham gia vào quá trình giáo dục, giảng dạy, học tập để phát triển đất nước, hội nhập với thế giới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quyết tâm đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc 5 châu như Bác Hồ mong ước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm học 2015-2016 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tuy trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu, tạo đà cho việc đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng trong những năm tiếp theo, ngành giáo dục tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua đạy tốt, học tốt. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; mở rộng hợp tác quốc tế về GD-ĐT một cách hiệu quả; kiên quyết khắc phục hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Bộ GD-ĐT.
PHAN THẢO