80 học giả tham dự hội thảo quốc tế về gốm cổ Bình Định

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận, trong đó có 24 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và 16 bài tham luận của các học giả đến từ các nước.
Hố khai quật tại di chỉ gốm gò Cây Me tại xã Nhơn Mỹ (Thị xã An Nhơn, Bình Định)
Hố khai quật tại di chỉ gốm gò Cây Me tại xã Nhơn Mỹ (Thị xã An Nhơn, Bình Định)
Ngày 28-10, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI- XV)”. Hội thảo thu hút 80 học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tham dự và trình bày công trình nghiên cứu của mình về “đô thị” gốm Champa Bình Định.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận, trong đó có 24 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và 16 bài tham luận của các học giả đến từ các nước: Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Philippines, Brunei… trình bày những phát hiện, công trình nghiên cứu của mình phục vụ cho việc làm sáng tỏ giá trị của gốm cổ Champa - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt cùng giai đoạn.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết: “Từ những năm 1990-1995, các công trình nghiên cứu đã đưa đến kết quả rõ ràng, xác định tại Bình Định là một trung tâm sản xuất gốm sứ của Champa. Có nhiều sản phẩm gốm cổ Bình Định đã được phát hiện ở nhiều nơi như Tây Nguyên, Lâm Đồng… Ngoài ra, ở nước ngoài còn phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ Bình Định. đặc biệt tại con tàu đắm tại Philippines đã phát hiện một số lượng rất lớn về gốm sứ trong đó có gốm cổ Bình Định, Đại Việt…”. 

Tin cùng chuyên mục