(SGGPO).- Sáng 11-7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay, các cảng vụ hàng không và các doanh nghiệp hàng không nhằm làm rõ nguyên nhân của tình trạng chậm hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay và tìm giải pháp khắc phục.
Báo cáo tại cuộc họp Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chậm hủy chuyến là do hoạt động khai thác, mặc dù độ đảm bảo kỹ thuật của các chuyến bay tốt hơn nhưng việc phát hiện nhiều vấn đề về kỹ thuật trước các chuyến bay đã gây ra chậm chuyến kéo dài. Bên cạnh đó là các nguyên nhân tắc nghẽn xếp khách khách lên máy bay, năng lực hãng chưa đáp ứng khi thời gian quay đầu máy bay chỉ 30 phút, các hãng hàng không giá rẻ không có máy bay dự bị, kết cấu hạ tầng sân bay chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay lớn trong giờ cao điểm gia tăng, hạ tầng khu bay thiếu các vị trí đỗ, thiếu đường lăn, nhất là ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là công tác dự báo thời tiết không tốt, ảnh hưởng đến quyết định cất hạ cánh các chuyến bay... Đại diện các đơn vị liên quan đến công tác quản lý bay cũng nhận trách nhiệm phần mình về nguyên nhân chậm hủy chuyến. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng không hài lòng về cách đánh giá nguyên nhân cũng như ý thức trách nhiệm trước vấn đề của các cơ quan quản lý nhà nước. Trước sự truy đến cùng trách nhiệm của Bộ trưởng Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không đã phải nhận 90% nguyên nhận chậm hủy chuyến là do lỗi chủ quan.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trách nhiệm đầu tiên đối với tình trạng chậm hủy chuyến thuộc về Cục Hàng không Việt Nam. Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã chưa có đánh giá đúng về tình trạng chậm, hủy chuyến, chưa có hành động cụ thể để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, công tác quản lý còn trì trệ, “Còn vô cảm, còn chưa nhận thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý thì tình trạng chậm hủy chuyến sẽ còn tiếp diễn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu, để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, không đổ lỗi cho các hãng hàng không mà phải thấy rõ năng lực còn yếu kém của mình.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải đổi mới toàn diện, triệt để để đáp ứng nhu cầu quản lý. Bộ trưởng cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát năng lực của các hãng hàng không, yêu cầu các hãng thực hiện đúng phương án kinh doanh, đặt lợi ích của quốc gia, của hành khách lên hàng đầu. Đồng thời, các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông Vận tải cần cập nhật ngay những bất cập trong công tác quản lý kinh doanh vận tải hàng không vào dự thảo sửa đổi Luật Hàng không sắp tới.
| |
BÍCH QUYÊN