AFF Cup 2010 - Chờ xem lịch sử sẽ nói bằng ngôn ngữ nào

AFF Cup 2010 - Chờ xem lịch sử sẽ nói bằng ngôn ngữ nào

1. Thế là đội tuyển Việt Nam đã lọt qua vòng đấu bảng để chuẩn bị đụng độ Malaysia ở bán kết. Tối 8-12 vừa rồi, niềm vui sướng của người hâm mộ nước nhà vỡ òa khi cuối cùng Minh Phương và đồng đội cũng vượt qua được Singapore với tỷ số tối thiểu để đặt chân vào vòng sau.

Tại sao vỡ òa? Tại trước đó, đội tuyển Việt Nam đã bất ngờ thất thủ trước Philippines, đội “yếu nhất bảng” (về lý thuyết - vì bây giờ họ đã chứng minh họ là đội mạnh nhì bảng sau khi qua mặt cả Singapore lẫn Myanmar để đoạt chiếc vé thứ hai để đi tiếp). Tại vì Singapore là đối thủ không dễ đối phó. Họ vô địch AFF Cup tới 3 lần và ở kỳ AFF Cup cách đây 2 năm, tuyển Việt Nam đã không thể thắng họ cũng chính tại thánh địa Mỹ Đình. Tại vì nếu lần này lại tiếp tục hòa với Singapore, chúng ta sẽ bị loại. Và còn vì Trọng Hoàng bị truất quyền thi đấu khi thời gian còn quá dài. Cho nên vỡ òa. Cho nên hạnh phúc. Cho nên các fan đổ ra đầy đường. Cảnh tượng đó gợi lại những gì đã diễn ra vào đêm chung kết hai năm trước, khi đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch.

Trọng Hoàng (11) đi bóng giữa vòng vây cầu thủ Singapore. Ảnh: Nguyễn Nhân

Trọng Hoàng (11) đi bóng giữa vòng vây cầu thủ Singapore. Ảnh: Nguyễn Nhân

2. Ủa, nhưng hai năm trước, người hâm mộ chen lấn chật các ngả phố để ăn mừng chức vô địch là đúng rồi. Còn lần này, chúng ta đã vô địch đâu! Một đội đương kim vô địch vượt qua vòng đấu bảng là chuyện quá đỗi bình thường, sao bỗng nhiên trở thành một sự kiện đáng vui mừng đến vậy? Chỗ này, có lẽ chúng ta cần phải nghĩ ngợi một chút. Hóa ra chúng ta là đương kim vô địch thật, nhưng sự thực thì đẳng cấp của chúng ta chưa vượt trội so với phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á. Tuyển Việt Nam đá thăng hoa khi đè bẹp Myanmar 7-1 nhưng ngay sau đó lại trình bày một bộ mặt rất khác khi thua Philippines 0-2. Sự thất thường là chỉ dấu cho thấy tuyển Việt Nam chưa phải là đội bóng bản lĩnh thực sự. Đặc biệt, chúng ta luôn bế tắc khi gặp các đội bóng chơi tử thủ. Khi một bóng chơi tử thủ, có nghĩa họ yếu hơn đối phương. Nếu chúng ta là đội bóng có bản lĩnh, tất chúng ta biết cách xô ngã chiếc xe buýt hai tầng của Philippines trong buổi tối 8-12 đó, không xô ngã được thì cũng làm cho chiếc xe buýt đó nếu không bể kiếng thì cũng thủng lốp. Đằng này, đối phương không thủng lốp mà chúng ta bị thủng lưới tới hai lần.

3. Vậy màn ăn mừng vừa rồi xét ra cũng tội nghiệp cho người hâm mộ thiệt. Nhưng có điều này vớt vát lại: khi nào đội tuyển Việt Nam chơi ì ạch ở vòng đấu bảng thì cuối cùng lại thành công. Ở vòng đấu bảng giải AFF Cup năm 2008, đội tuyển Việt Nam chơi như người bị bệnh dạ dày kinh niên. Chỉ đến trận đấu cuối cùng với Malaysia, tuyển Việt Nam mới biết chắc mình lọt vào bán kết sau bàn thắng may mắn của Vũ Phong với trợ lực của thần gió. Sau khi thoát khỏi giây phút hiểm nghèo, thầy trò Calisto đã đi thẳng một lèo đến ngôi vô địch bằng cách hạ gục hai đại kình địch Singapore và Thái Lan ngay tại thánh địa của đối phương. Lần này cũng vậy, lại là Vũ Phong ghi bàn thắng quyết định trong trận đấu mà Việt Nam không được phép hòa để đưa tuyển Việt Nam vào bán kết. Vậy có nghĩa lịch sử có dấu hiệu sẽ lặp lại: Việt Nam sẽ phom phom tiến thẳng đến chỗ đặt chiếc cúp Vàng?

4. Có vẻ như vậy, nếu lịch sử chỉ nói một thứ ngôn ngữ. Nhưng lịch sử lại có khả năng nói bằng nhiều thứ tiếng. Chẳng hạn, một tiếng nói khác: trong những thời điểm chúng ta cảm thấy chắc ăn nhất, nếu cầu thủ sờ tay lên cổ sẽ có cảm giác như chạm vào chiếc huy chương vàng, thì đội tuyển Việt Nam lại thất bại cay đắng. Sự ngã ngựa bất ngờ trước Singapore ở AFF Cup 1998 và trước U23 Malaysia ở SEA Games năm ngoái cho thấy không phải khi Thái Lan đứng ngoài lề thì Việt Nam sẽ “múa gậy vườn hoang”. Tất nhiên, Indonesia năm nay trở thành một đối thủ đáng nể khi với chính sách trọng dụng ngoại binh nhập tịch, họ gần như hoàn toàn lột xác. Nhưng Malaysia cũng không phải là một đội tuyển mà chúng ta có thể nhìn bằng nửa con mắt. Năm ngoái, chính lứa trẻ của họ đã cho lứa trẻ của chúng ta nếm mùi đau khổ đó thôi. Thực sự, xét về trình độ chuyên môn, về khả năng phối hợp, về cách chơi bóng uyển chuyển theo phong cách la-tinh (Calisto thường bắt học trò coi đi coi lại lối chơi của tuyển Tay Ban Nha), tuyển Việt Nam là đội tuyển có lối chơi đẹp mắt và biến ảo nhất ở giải đấu này. Nhưng làm sao để lối chơi đó phát huy hiệu quả và đem lại tỷ số có lợi thì đó lại là một câu chuyện khác. Trước khi chờ xem lịch sử sẽ nói bằng thứ tiếng nào thì có lẽ tiếng nói của ông Calisto có vai trò quan trọng nhất trong việc giúp học trò giữ được cái đầu lạnh bên cạnh trái tim nóng. Một huấn luyện viên đã nhận xét: “Nếu tuyển Việt Nam chơi đúng như phong độ của mình, họ sẽ không ngán bất cứ đối thủ nào”. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này. Nhưng các học trò của ông Calisto có sẽ chơi đúng với phong độ của mình trong 4 trận đấu còn lại hay không, với một đội tuyển phập phù như đội tuyển Việt Nam, có lẽ không một ai biết! Chúng ta chỉ có cách chờ đợi...

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục