Afghanistan - Cuộc chiến nhiều mục đích

Ngày 7-10 năm nay đánh dấu 11 năm Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến tại Afghanistan, lật đổ chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban và tiêu diệt tận gốc tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Hơn 10 năm qua, Mỹ và các nước đồng minh ngày càng rơi vào bế tắc. Uy tín của chính quyền Tổng thống Obama cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ một cuộc chiến do cựu Tổng thống Bush để lại. Tuần rồi, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã chỉ trích Mỹ đang chơi trò hai mặt với quốc gia Trung Á này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo bài viết trên tờ New York Times, ông Karzai cho rằng Mỹ và quân đồng minh đã ngang nhiên tấn công làng mạc Afghanistan, tiêu diệt dân thường thay vì truy đuổi những phần tử khủng bố đang lẩn trốn ở Pakistan.

Hơn nữa, ông Karzai còn bày tỏ sự bất bình với việc lực lượng an ninh vẫn chưa nhận được vũ khí cần thiết từ những đồng minh NATO để bảo vệ an ninh khu vực biên giới. Lần này, ông Karzai ra tín hiệu với Mỹ bằng cảnh báo Afghanistan có thể đề nghị các quốc gia khác như Nga, Ấn Độ hoặc Trung Quốc cung cấp vũ khí. Nga và Trung Quốc e ngại sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ vẫn thiết lập 15 trung tâm chỉ huy ở các khu vực biên giới làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực.

Vì thế, việc ông Karzai ngỏ lời muốn mua vũ khí từ 2 quốc gia này sẽ là cơ hội để họ nắm một phần kiểm soát an ninh. Điều này lại càng gây khó khăn hơn đối với Mỹ trong việc thực hiện chiến dịch hậu Afghanistan.

Từ nhiều năm nay, trong lòng cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, một cuộc chiến khác làm xói mòn quan hệ đồng minh giữa quốc gia này và Mỹ: cuộc chiến giữa quân đội nước ngoài với dân thường. Binh lính Mỹ nhiều lần cướp sinh mạng dân thường. Vụ gần đây nhất, tháng 9, 8 phụ nữ thiệt mạng và nhiều người bị thương trong một vụ không kích do quân Mỹ dẫn đầu.

Trước đó, một vụ xả súng đẫm máu giữa một đêm tháng 3 khiến 16 người chết. Nguyên nhân do binh sĩ Mỹ gặp vấn đề về tâm lý, ức chế lâu ngày dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Nhưng vì sao ông Karzai lại lên tiếng vào thời điểm này?

Thật ra, động thái cứng rắn của ông Karzai nhằm chứng tỏ với người dân rằng chính quyền của ông không phải là con rối của Mỹ và các quốc gia phương Tây. Hơn nữa, đây là bước khởi đầu chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ ba cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vào năm 2014, diễn ra lần đầu tiên kể từ khi Mỹ và NATO rút khỏi quốc gia này.

Thực tế, dư luận Afghanistan hiện vẫn còn lờ mờ về khả năng ông Karzai lãnh đạo đất nước, đối phó với Taliban và vấn nạn tham nhũng đang hoành hành đất nước.

Mâu thuẫn giữa hai quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố trở thành yếu tố mấu chốt trong cuộc đua vào Nhà trắng. Cuộc chiến này đã lấy đi 2.000 sinh mạng của binh sĩ Mỹ và hàng ngàn tỷ USD từ ngân sách quốc gia. Cuộc chiến ở Afghanistan một lần nữa lại là công cụ để lãnh đạo các nước cân nhắc, giành ưu thế trong cuộc chạy đua riêng.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục