Agribank sẵn sàng nguồn vốn cho tái canh cà phê

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng một chương trình tín dụng cho tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên với quy mô lên tới 12.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, gói tín dụng này sẽ giao cho Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trực tiếp giải ngân. Theo lãnh đạo Agribank, ngân hàng này đã sẵn sàng dành nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay tái canh cà phê của bà con nông dân. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần sớm được tháo gỡ để gói tín dụng này thực sự mang lại hiệu quả.
Agribank sẵn sàng nguồn vốn cho tái canh cà phê

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng một chương trình tín dụng cho tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên với quy mô lên tới 12.000 tỷ đồng. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, gói tín dụng này sẽ giao cho Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trực tiếp giải ngân. Theo lãnh đạo Agribank, ngân hàng này đã sẵn sàng dành nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay tái canh cà phê của bà con nông dân. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần sớm được tháo gỡ để gói tín dụng này thực sự mang lại hiệu quả.

Tái canh cà phê tại Tây Nguyên đang rất cần nguồn vốn từ ngân hàng

Tái canh cà phê tại Tây Nguyên đang rất cần nguồn vốn từ ngân hàng

Bước đầu phát huy hiệu quả

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới tại Tây Nguyên khoảng 140.000 – 160.000 ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng); trong đó diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86.000ha, chưa kể khoảng 40.000ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp. Nếu không kịp thời tái canh, chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung chứ không riêng Tây Nguyên sẽ sớm bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tốc độ tái canh trong thời gian qua diễn ra rất chậm. Từ năm 2012 đến nay, cả khu vực Tây Nguyên mới chỉ tái canh được khoảng 2.000ha.

Theo tính toán, để tái canh một ha cà phê, các nông hộ và doanh nghiệp cần khoảng từ 120-150 triệu đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được.  Bởi vậy, nguồn vốn vay ngân hàng là yếu tố rất quan trọng để thực hiện mục tiêu tái canh diện tích cà phê đã già cỗi ở Tây Nguyên. Xác định được vấn đề này, từ năm 2012 đến nay Agribank đã cam kết dành các gói tín dụng khá lớn với cơ chế khá ưu đãi cho tái canh cà phê, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắc Lắc. Tính đến hết tháng 4-2014, dư nợ cho vay tái canh cà phê của Agribank ở 2 địa phương này đạt 264 tỷ đồng, giúp gần 2.000 khách hàng vay vốn tái canh được trên 2.500ha cà phê. Trong đó, dư nợ cho vay ở Lâm Đồng đạt 154 tỷ đồng, dư nợ cho vay ở Đắc Nông đạt 110 tỷ đồng.

Mặc dù dư nợ cho vay còn thấp, nhưng bước đầu nguồn vốn của Agribank cho tái canh cà phê đã phát huy hiệu quả. Tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch xã cho biết tổng diện tích cà phê của xã là 4.530ha, sản lượng thu hoạch 2,6 tạ/ha với 1.968 hộ trồng cà phê. Hiện tái canh cà phê là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã Phú Sơn, trong đó riêng 2 năm 2012-2013 xã đã tái canh được khoảng 230ha. Dự kiến năm 2014-2015, diện tích tái canh cà phê của xã sẽ tăng nhanh khi người trồng cà phê được tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đến thăm gia đình ông Trần Văn Sương ở thôn Ngọc Sơn 1, xã Phú Sơn, ông Sương hồ hởi nói: “Vừa rồi tôi quyết định vay của Agribank 120 triệu đồng, để mua 900 gốc cà phê Rusbita và 900 cây cà phê Katimo. Lãi vay 10,5%/năm với thời gian vay 7 năm trả lãi hàng tháng, gốc chia ra trả. Nói chung, tôi tự tin với phương pháp giống kỹ thuật mới, nếu được đầu tư vườn cà phê sẽ được trẻ hóa và hồi sinh năng suất cao”. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sanh, Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng cho biết: xác định tín dụng cà phê là chương trình trọng tâm 2013-2015, ngân hàng đã nỗ lực hết sức để chủ động cùng với chính quyền, nhân dân bắt tay vào thực hiện. Trong quá trình triển khai, ngân hàng có sự thuận lợi là nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và người dân có nhu cầu vay vốn để tái canh cà phê. Hơn nữa, Agribank có hệ thống màng lưới rộng, cán bộ thông thạo địa bàn, nhiệt tình phục vụ nhu cầu của người dân có nhu cầu tái canh cà phê.

Không ít khó khăn

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức độ giải ngân mới chỉ đạt rất thấp so với mức cam kết cho vay của Agribank để tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên, có thể thấy rằng chương trình tín dụng này còn gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của một số nông hộ, việc tái canh cà phê cần rất nhiều vốn, mặc dù ngân hàng đã tạo điều kiện hết sức cho người vay nhưng một suất vay của gói tín dụng này chỉ ở mức 50 triệu đồng/ha, là quá ít so với suất đầu tư thực tế. Điều này cũng là trăn trở của lãnh đạo Agribank Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Sanh cho biết, hiện diện tích cà phê ở Lâm Đồng chủ yếu là đất lâm nghiệp nên chưa có sổ đỏ, chính vì vậy rất khó để cho vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng đã linh động cho các hộ dân vay bằng cách, ngoài đối tượng vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 41, khách hàng vay vốn có tài sản hình thành từ vốn vay là vườn cà phê. Thời gian giải quyết cho vay cũng rút ngắn bằng một nửa so với quy định.

Có một thực tế là các chi nhánh của Agribank (trên địa bàn Tây Nguyên) thực hiện chương trình tái canh cà phê đều thiếu nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn trung, dài hạn. Cụ thể đơn vị có tỷ lệ nguồn vốn/dư nợ cao nhất là Agribank chi nhánh Lâm Đồng  cũng chỉ đạt gần 70%, Agribank chi nhánh Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) mới đạt tỷ lệ khoảng 40%, do vậy rất cần nguồn tái cấp vốn của NHNN. Trong khi đó, hiện Agribank vẫn chưa nhận được nguồn tái cấp vốn từ NHNN. Một vấn đề khác cũng khiến việc giải ngân cho vay tái canh cà phê chậm là quy hoạch. Cuối năm 2013 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT xây dựng và phê duyệt cụ thể quy hoạch diện tích, lộ trình thực hiện tái canh cà phê theo từng năm và từng địa bàn; trên cơ sở đó NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án tái canh cà phê thông qua Agribank. Tuy nhiên đến nay mới có tỉnh Đắc Lắc công bố quy hoạch tái canh cây cà phê, các tỉnh còn lại chưa có quy hoạch. Do vậy Agribank chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay tái canh cà phê.

Sẵn sàng cho gói tín dụng mới

Lãnh đạo Agribak cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện cho vay tái canh cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường cùng loại từ 1,5%/năm đến 2%/năm. Đồng thời, áp dụng cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản với mức tối đa cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Chính phủ, NHNN. Với vị thế là ngân hàng thương mại nhà nước, có địa bàn hoạt động và dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn nhất (đến 30-4-2014 dư nợ đạt 381.000 tỷ đồng, chiếm trên 71,7% tổng dư nợ); là ngân hàng đầu tiên ký biên bản ghi nhớ với một số tỉnh và Tổng Công ty cà phê Việt Nam về việc thực hiện chương trình tái canh cà phê, Agribank nhất trí và đánh giá cao quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN về triển khai gói tín dụng quy mô lớn cho tái canh cà phê. “Tuy nhiên trước mắt khi chưa nhận được gói tín dụng tái cấp vốn của NHNN, Agribank vẫn đảm bảo giành nguồn vốn huy động của cả hệ thống để đáp ứng nhu cầu vay tái canh cà phê của bà con nông dân và theo chỉ đạo của Thống đốc” – đại diện lãnh đạo Agribank cho biết.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn cho tái canh cà phê, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên sớm phê duyệt nguồn tái cấp vốn để Agribank thực hiện chương trình tín dụng tái canh cà phê theo chỉ đạo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Đồng thời, có thể xem xét khả năng tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn và giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với dư nợ không có tài sản bảo đảm trong cho vay tái canh cà phê nói chung và cho vay nông nghiệp nông thôn, nông dân cho Agribank. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, nên có chính sách riêng đối với chương trình cho vay tái canh cà phê như: nguồn vốn, lãi suất, bảo đảm tiền vay… Có thể nâng mức cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân lên mức 100 triệu đồng, hộ kinh doanh 500 triệu đồng, hợp tác xã 3 tỷ đồng.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cần sớm phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết diện tích, lộ trình thực hiện tái canh cà phê theo từng năm và từng địa bàn để ngân hàng có cơ sở cho vay vốn. Bên cạnh đó, khi thực hiện quy hoạch phải có chế tài bắt buộc tái canh hoặc chuyển sang trồng cây khác đối với vườn cà phê bị bệnh (vì vườn cà phê bị bệnh nếu không xử lý sẽ lây lan sang vườn cà phê liền kề).

 NGỌC MINH – THIẾU QUÂN

Tin cùng chuyên mục