Ai bổ nhiệm và bãi miễn Trưởng đặc khu?

Đa phần các ĐB đồng tình cần sớm có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, các ĐB vẫn băn khoăn nhiều nội dung, nhất là việc áp dụng mô hình trưởng đặc khu.

Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu). Đa phần các ĐB đồng tình cần sớm có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bởi “bây giờ Việt Nam mới làm đã là chậm”, cần có cơ chế đột phá để tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, các ĐB vẫn băn khoăn nhiều nội dung, nhất là việc áp dụng mô hình trưởng đặc khu.

"Các đặc khu sẵn sàng cất cánh nếu có luật"

ĐB Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh (một trong 3 địa phương sẽ xây dựng đặc khu) cho rằng, chủ trương xây dựng các đặc khu đã được các văn bản, Nghị quyết của Đảng nêu rõ, đã có cơ sở pháp lý để xây dựng luật cũng như các đề án phát triển đặc khu.

Bà Lan cho biết, khi Quảng Ninh xây dựng đề án đã tham khảo, thực tế kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới, nghiên cứu rất kỹ cả những thành công và thất bại. Cả Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa đều đã chọn những nơi có tiềm năng đột phá (lần lượt là Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong) để khi có cơ chế đột phá thì có thể “bùng nổ”, thu hút được đầu tư hiệu quả nhất. Các tỉnh đều đã chủ động xây dựng hạ tầng kết nối để sẵn sàng phát triển các đặc khu.

Một góc huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh
Riêng tại Quảng Ninh đã rất chủ động nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư hạ tầng để phát triển đặc khu Vân Đồn. Ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã lựa chọn Vân Đồn với những tiềm năng đặc biệt để xây dựng đặc khu.
Vân Đồn có vị trí kết nối rất thuận tiện cả về đường bộ, hàng không, đường biển với Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng như thế giới. Vân Đồn có cảnh quan thuộc dạng kỳ quan thế giới (Vịnh Bái Tử Long, kết nối với Vịnh Hạ Long).
Tính đến nay Quảng Ninh đã kêu gọi, thu hút đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng để làm hạ tầng kết nối Vân Đồn, các nhà đầu tư cũng đã đăng ký đầu tư nhiều dự án mang tính chất kết nối trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên tới 100.000 tỷ đồng. 

Vẫn theo ĐB Đỗ Thị Lan, Quảng Ninh cùng Bộ Quốc phòng cũng đã xây dựng đề án bảo đảm an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển đặc khu, trong đó quy định rõ các vấn đề liên quan đến người nước ngoài…

“Cả chủ trương, cơ sở pháp lý, thực tiễn cũng như sự chuẩn bị đón đầu đều cho thấy, các đặc khu sẵn sàng cất cánh nếu có luật”, bà Lan nói.

Về dự thảo luật, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể Nhà nước hỗ trợ cơ chế nguồn lực để hỗ trợ các đặc khu trong giai đoạn đầu thành lập. Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị để lại nguồn tăng thu được trong những năm đầu để tái đầu tư, những năm sau mới nộp về ngân sách nhà nước.

Về tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu, tỉnh Quảng Ninh đề nghị áp dụng mô hình trưởng đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành. Cơ chế giám sát quyền lực sẽ được thực thi để bảo đảm không lạm quyền. Quảng Ninh mong Luật được thông qua sớm để các đặc khu bắt tay ngay vào việc phát triển.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng đề nghị lựa chọn mô hình trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm tinh gọn bộ máy, các thủ tục hành chính được nhanh  gọn, đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần bảo đảm cơ chế giám sát để không dẫn đến tình trạng đặc quyền đặc lợi.

Tương tự, ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) ủng hộ sớm hoàn thiện Luật và thông qua để các đặc khu chớp lấy cơ hội, tạo ra những cơ chế vượt trội nhằm giúp các địa phương phát triển. Bà cũng tán thành mô hình trưởng đặc khu để tạo ra sự tinh gọn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH cũng cho rằng cần rà lại cơ chế ủy quyền để bảo đảm trưởng đặc khu không lạm quyền.

Qua thảo luận, nhiều ĐB đồng tình chính sách cho thuê đất 99 năm.  Đáng chú ý, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ủng hộ cho mở dịch vụ casino ở các đặc khu, nhưng phải có quy định rõ ràng người Việt Nam có được vào chơi hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, điều quan trọng của kỳ họp này là phải chốt được phương án nào, không thể để mông lung các phương án.  Sau kỳ họp này ban soạn thảo sẽ tập trung các chuyên gia để hoàn thiện nhằm kịp trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua tại kỳ họp sau.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, có nhiều ý kiến băn khoăn là có một luật chung cho cả 3 đặc khu hay từng đặc khu có luật riêng? Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban là  có chung 1 luật cho cả 3 khu. Qua thực tế Quảng Ninh thấy rằng Quảng Ninh không xin kinh phí mà xin cơ chế. Chúng ta ủng hộ để có bước đột phá nhưng phải thẩm định kỹ, nhất là vấn đề hành chính của đặc khu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt, kể cả mô hình trưởng đặc khu.

“Chúng ta hy vọng kỳ họp thứ 5 sẽ ra được luật này cũng như sự ra đời của 3 đặc khu”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa
Là người rất tâm huyết với mô hình đặc khu, Trưởng ban Tổ chức TƯ  Phạm Minh Chính cho rằng, cả chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp đều đã nêu về việc thành lập các đặc khu.

“Chúng ta đều rất tâm huyết, trách nhiệm về vấn đề này, ai cũng mong có cơ chế để đột phá, có nơi phát triển vượt trội. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, có nhiều cái đặc biệt nên những băn khoăn là điều dễ hiểu”, Trưởng ban Tổ chức TƯ  nói.

Theo ông Phạm Minh Chính, xây dựng đặc khu nhưng phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đóng góp cho sự phát triển, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân, hài hòa sự phát triển của của đặc khu và cả nước. Và quan trọng nhất là bảo đảm sự phát triển bền vững giữa thiên nhiên và con người, trên cơ sở hấp thụ công nghệ hiện đại từ bên ngoài.

Ai bổ nhiệm và bãi miễn Trưởng đặc khu? ảnh 3 Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho rằng đã có cơ chế đặc biệt thì phải có bộ máy đặc biệt
Về mô hình hành chính của đặc khu, Trưởng Ban tổ chức TƯ cho rằng, đã có cơ chế đặc biệt thì phải có bộ máy đặc biệt, vì vậy nên mạnh dạn ủng hộ mô hình trưởng đặc khu, và điều đó cũng không vi hiến. Vấn đề là phải chọn được đúng con người đủ tâm đủ tầm để gánh vác trọng trách.

Cho rằng các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang thực hiện mô hình đặc khu là “mang trách nhiệm lịch sử”, Trưởng Ban tổ chức TƯ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương.

Ai bổ nhiệm và bãi miễn Trưởng đặc khu? ảnh 4 Một góc huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Ai bổ nhiệm và bãi miễn Trưởng đặc khu?

Thảo luận về Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại tổ, thiết chế Trưởng đặc khu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Đồng ý phương án trao quyền mạnh cho Trưởng Đặc khu để tạo ra đột phá, ĐB Lâm Đình Thắng (TPHCM) đưa ra kiến nghị rất đáng lưu ý, khác với dự thảo luật và cũng không hề được cơ quan thẩm tra đề cập. 
“Để có thể chọn được người thực sự giỏi và đủ bản lĩnh vào cương vị này thì có thể tổ chức thi tuyển”, ông Thắng nói. Theo dự thảo, Trưởng đặc khu là do Thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh và qua sự thẩm định của Bộ Nội vụ.
Ở một tổ thảo luận khác, ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) nói: “Tạo cho Trưởng Đặc khu quyền chủ động, nếu chủ động mà toàn tâm toàn ý thì tốt, nhưng có thiên ý cá nhân mà không kiểm soát thì rất khó. Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu”.
Ông Trần Văn Quý phân tích, vì 3 đặc khu được lựa chọn “không phải chỉ của 3 tỉnh, mà là mô hình thử nghiệm của cả nước” nên người được chọn, được bổ nhiệm không chỉ bó hẹp là người của tỉnh đó. Không thể Chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn cán bộ của tỉnh mình để làm Trưởng đặc khu, như thế sẽ không thu hút được người tài đảm nhận công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp này. Đề nghị người bổ nhiệm vẫn là Thủ tướng, nhưng hình thức là thi tuyển để rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cục, vụ, viện ở các Bộ - những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có  kinh nghiệm quản lý.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB tại tổ.
Ai bổ nhiệm và bãi miễn Trưởng đặc khu? ảnh 5 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)
Cũng về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại có quan điểm hơi khác. ĐB đề nghị Thủ tướng quyết định bổ nhiệm Trưởng đặc khu trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng bãi miễn thì Thủ tướng có thể tự quyết trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch tỉnh hoặc lãnh đạo các bộ ngành TƯ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa kể rằng, khi trao đổi với lãnh đạo một số bộ ngành, cụ thể như Bộ Tài nguyên và Môi trường, được biết có sự băn khoăn không nhỏ khi các bộ dường như “hoàn toàn không có khả năng giám sát, kiểm tra, kiến nghị xử lý thiết chế này".

Tin cùng chuyên mục