Ai Cập: Bạo lực leo thang

Không ngại sử dụng biện pháp cứng rắn
Ai Cập: Bạo lực leo thang

Ngày 18-8, những người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Morsi tràn về khu vực Tòa án Hiến pháp tối cao và quảng trường Rosky, khu vực trung tâm thủ đô Cairo. Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn khẳng định sẽ đối phó với những người biểu tình bằng tất cả các phương tiện cần thiết.

Quân đội Ai Cập trấn giữ khu vực trung tâm Cairo.

Quân đội Ai Cập trấn giữ khu vực trung tâm Cairo.

Không ngại sử dụng biện pháp cứng rắn

Trước đó Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi đã chính thức đề xuất giải thể Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và tuyên bố không hòa giải với những kẻ “bàn tay đã nhuốm máu”.

Lý giải về việc quân đội và các lực lượng an ninh Ai Cập không ngại sử dụng các biện pháp cứng rắn để giải tán người biểu tình, tờ Financial Times (Anh) cho rằng họ có lý do để tự tin với hành động này.

Thứ nhất, Tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi và các đồng minh với sự ủng hộ của Saudi Arabia và phần lớn các nước đồng minh theo chế độ quân chủ vùng Vịnh - những nước cảm thấy “dễ thở” hơn khi thấy nguy cơ dân chủ đang lụi tàn dần. Chính quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abdul đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập tiếp quản chính quyền và sau đó 24 giờ đã cùng Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Kuwait nhất trí viện trợ tổng cộng 12 tỷ USD cho Ai Cập, một khoản tiền gấp gần 10 lần viện trợ của Mỹ trong năm 2013 và nhiều hơn cả khoản tiền mà Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ cho Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Thứ hai, sự tác động của Mỹ đối với quân đội Ai Cập chỉ mang tính hình thức hơn là thực tế. Kể từ khi Ai Cập đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel năm 1979, mỗi năm quân đội Ai Cập nhận được 1,3 tỷ USD tiền viện trợ của Mỹ. Dù ai nắm quyền ở Washington và tình trạng quan hệ với Cairo như thế nào thì khoản viện trợ quân sự này vẫn không hề thay đổi. Khoản viện trợ này nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ và được xem là khoản đầu tư khôn ngoan nhằm đổi lấy sự đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận chuyển quân và hàng hóa của Mỹ qua kênh đào Suez, và sự ủng hộ ngoại giao gần như tuyệt đối của Cairo đối với Washington ở khu vực Trung Đông. Các nhà quan sát cũng dự đoán dù dư luận quốc tế có phản ứng thế nào đi nữa, quân đội Ai Cập vẫn tiếp tục dùng các biện pháp mạnh.

Ảnh hưởng giá dầu, vàng

Tình trạng bạo lực đẫm máu ở Ai Cập có nguy cơ leo thang khiến giới đầu tư lo ngại có thể ảnh hưởng tới việc vận chuyển dầu qua kênh đào Suez và hệ thống đường ống Sumed nối châu Âu và châu Á. Tuyến đường này vốn an toàn và ngắn hơn so với tuyến đường vòng qua châu Phi.

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9-2013 tại New York phiên đóng của ngày 16-8 tăng lên 108,40 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ tăng lên 110,59 USD/thùng. Sanjeev Gupta, phụ trách mảng dầu khí khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Công ty Tư vấn năng lượng Ernst & Young, nhận định những diễn biến tại Ai Cập đang là tâm điểm của thị trường và sẽ tiếp tục gây sức ép đẩy giá dầu tăng.

Mặc dù không phải là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, song giới đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn ở Ai Cập có thể khiến hoạt động vận chuyển dầu qua kênh đào Suez tới châu Âu có thể bị gián đoạn. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 2,5 triệu thùng dầu, chiếm 2,7% nguồn cung toàn cầu, được vận chuyển qua Suez.

Đây cũng là lý do chính khiến giới đầu tư tìm đến vàng như là kênh đầu tư an toàn. Giá vàng của hầu hết các hợp đồng giao tháng 9 tại Mỹ là 1.375USD/ounce và châu Á là 1.377 USD/ounce.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục