(SGGPO).- Đó là câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và cũng là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban cho ý kiến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, qua thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương pháp xác định giá thuốc; Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về giá thuốc nhưng chưa quy định rõ Bộ Tài chính hay Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc và chịu trách nhiệm cuối cùng đối với vấn đề giá thuốc.
“Thường trực Ủy ban nhất trí đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan, quan hệ trong quản lý Nhà nước về vấn đề giá thuốc giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định rõ khái niệm quản lý chuyên môn về giá thuốc để xác định trách nhiệm của các bộ khi có sự biến động về giá thuốc”, bà Trương Thị Mai cho biết.
Về Hội đồng quản lý giá thuốc, bà Mai cho rằng, Hội đồng không phải là cơ quan quản lý nhà nước và chỉ nên được giao nhiệm vụ tư vấn, đề xuất các biện pháp bình ổn khi có biến động về giá thuốc thiết yếu; đề xuất các biện pháp tổ chức đấu thầu thuốc tập trung; đề xuất các biện pháp kiểm tra, đánh giá xác định nguyên nhân của biến động về giá thuốc...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có chung nhận xét, cần phải quy định rõ trong Luật về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ Y tế chỉ có thể tham gia ý kiến về chất lượng thuốc chứ không thể “ôm” được chức năng quản lý giá thuốc. “Sản xuất, buôn bán, xuất nhập thuốc là Bộ Công Thương. Tại sao không giao cho Bộ này? Bộ Y tế chỉ quản về chất lượng thuốc thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Lưu ý rằng hiện nay Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu tới 90% dược phẩm và nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật nên lưu ý thích đáng đến việc tạo hành lang thuận lợi để phát triển công nghiệp dược phẩm trong nước. Một số nội dung khác trong dự thảo Luật cũng được nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho là chưa đầy đủ, hợp lý; thiếu tính thống nhất với nhiều luật khác.
“Sửa đổi như dự thảo Luật trình đây thì chưa tạo ra đổi mới hay đột phá gì cả”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhận xét và yêu cầu chưa trình dự án Luật này ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn trình dự án Luật này sang kỳ họp thứ 8.
ANH PHƯƠNG