Ngày 19-8, các phương tiện truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin việc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) - một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda ở Iraq đăng trên trang mạng kêu gọi thánh chiến Honein. Mục đích là nhằm trả thù cho trùm khủng bố Osama Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt tháng 5 vừa qua ở Pakistan cùng các thủ lĩnh cấp cao khác. Thánh chiến bắt đầu từ ngày 15-8, được cho là ngày đẫm máu nhất ở Iraq trong hơn một năm qua, số người thiệt mạng lên đến 74 người, 300 người bị thương. Thánh chiến sẽ dừng khi hoàn thành 100 vụ tấn công!
Lời tuyên bố thánh chiến này trước tiên thu hút sự chú ý của những quốc gia phương Tây, đặc biệt là những nước đang tham chiến tại Iraq. Đây có vẻ là lý do tuyệt vời để Mỹ và đồng minh biện hộ cho việc gia hạn hoạt động của quân đội các nước trên tại quốc gia Trung Đông này. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Iraq đã đồng ý tiếp tục duy trì sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại nước này sau thời hạn chót vào cuối năm 2011, bất chấp việc cố vấn truyền thông của Thủ tướng Iraq, ông Ali Mussawi, nói rằng hai bên vẫn đang thương lượng và chưa hề đạt được thỏa thuận nào!
Trên thực tế, lời tuyên bố thánh chiến có khiến người dân Iraq lo sợ? Hình như là không! Suốt 9 năm qua, Iraq chưa bao giờ yên ổn thực sự. Như tuyên truyền của Mỹ và đồng minh thì khi họ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein đất nước này sẽ có hòa bình, ổn định và một tương lai tươi sáng. Nhưng kể từ khi họ xử bắn ông Saddam Hussein, không ngày nào không có đánh bom hay chiến sự ở xứ sở 1.001 đêm. Số người chết tăng dần, bất ổn ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của trang Iraq Body Count, đánh bom liều chết cũng như ném bom bừa bãi trên đường phố ở khu đô thị và nông thôn hay những vụ tấn công bạo lực khiến khoảng 102.000-112.000 người thiệt mạng tính từ năm 2003 đến nay, khi Mỹ và đồng minh bắt đầu đổ quân đến Iraq để thực hiện cái gọi là sứ mệnh thiết lập hòa bình.
Cuộc thánh chiến nếu có này chưa chắc chỉ nhận được sự ủng hộ của lực lượng Al Qaeda. Những nhóm vũ trang ủng hộ cố Tổng thống Saddam Hussein vẫn âm thầm chờ thời cơ và những người tự xưng là yêu nước không muốn có sự hiện diện của quân nước ngoài trên đất nước mình.
Cốt lõi của vấn đề bạo lực ở Iraq không thể giải quyết bằng sự hiện diện của quân Mỹ. Vấn đề của Iraq vẫn phải để người Iraq tự giải quyết.
Chính quyền Washington đã phải vay nợ để có tiền chi cho chiến tranh. Số tiền lãi phải trả đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Đến năm 2017, con số này sẽ lên tới 2.400 tỷ USD. Riêng chiến tranh Iraq tốn 1.900 tỷ USD. Mỹ vẫn cứ muốn lái dư luận theo “thiện chí” của mình, dù ai cũng hiểu cuộc chiến Iraq là vì tham vọng dầu hỏa của Mỹ cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các trùm sản xuất vũ khí của Mỹ.
NHƯ QUỲNH