Trong khi các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển lại đang trên đà giảm sút. Không ít chuyên gia kinh tế đã cho rằng các nước phát triển đang trở lại với vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới, nhiệm vụ mà mới thời gian không lâu trước nhiều người còn tin rằng nó thuộc về các quốc gia đang phát triển.
Tờ Wall Street Journal dẫn một thống kê của quỹ đầu tư Bridgewater Associates LP (Mỹ) cho biết lần đầu tiên kể từ giữa năm 2007, các nền kinh tế phát triển, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, đang đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu (ước khoảng 74.000 tỷ USD) so với các quốc gia mới nổi gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trong số các động lực dẫn đến sự thay đổi này phải kể đến một Nhật Bản đang hồi sinh mà nhiều năm qua vẫn bị coi là phát triển yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế ước tính GDP của Nhật Bản trong quý 2 vừa qua đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy thấp hơn so với mức tăng 3,8% trong quý 1 nhưng thực sự là một thay đổi có ý nghĩa sau nhiều năm trì trệ. Kinh tế Mỹ tuy chưa sáng sủa nhưng đã phục hồi ổn định. Còn nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng nhẹ trong quý mới nhất sau một giai đoạn dài suy thoái và được dự đoán đang “dần thoát khỏi suy thoái”. Bridgewater tính toán Mỹ, Nhật Bản và các thị trường phát triển khác, đóng góp khoảng 60% hoạt động kinh tế mong đợi trên thế giới trong năm nay.
Trong khi đó, các nước mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - đều có sự tăng chậm lại so với các hoạt động nổi trội của các nước này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng liệu có quá sớm khi cho rằng sự lãnh đạo kinh tế đang trở lại với các nền kinh tế phát triển? Mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh trong năm 2013 là 7,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1990, nhưng vẫn còn vượt xa nhịp độ tăng trưởng ước khoảng 2% của Mỹ. Nhiều nhà kinh tế hy vọng các nền kinh tế nhỏ hơn đang nổi lên, từ Đông Nam Á đến Nam Mỹ, sẽ tăng trưởng ở mức tương đối mạnh mẽ, mặc dù chậm hơn so với các năm trước. Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, đã bị đình trệ một phần do nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đối với các sản phẩm như quặng sắt. Tuy nhiên, GDP của Brazil vẫn tăng khoảng 1% trong năm ngoái…
Tâm lý lạc quan, tin tưởng vào các nền kinh tế mới nổi vẫn được thể hiện khá rõ ở rất nhiều các công ty đa quốc gia. Herbert Hainer, Giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất đồ thể thao Adidas AG của Đức, nhận định rằng thị trường mới nổi tiếp tục là nguồn cơ hội tuyệt vời. Mặc dù doanh thu của Adidas ở Trung Quốc chỉ tăng 6% trong nửa đầu năm nay, so với mức tăng 19% trong nửa đầu năm ngoái, nhưng theo ông Hainer điều đó chỉ phản ánh những tác động trong ngắn hạn. Giám đốc chiến lược của Vale SA (Brazil), nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, ông Jose Carlos Martins cho biết có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy thương mại và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã nhích trở lại và Bắc Kinh sẽ vẫn cần quặng của Brazil để phát triển. Vì những lý do trên, nhiều chuyên gia kinh tế thận trọng cho rằng sự đổi chiều mới nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn non nớt và có thể đảo ngược, một khi các nền kinh tế mới nổi phục hồi trở lại cho dù chỉ chút ít.
ĐỖ CAO