Từ câu chuyện của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã SQC-HNX) và nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang rơi vào hoạt động cầm chừng hay ngừng sản xuất (SQC tạm ngừng hoạt động nhà máy sản xuất xỉ titan tại tỉnh Bình Định từ tháng 7) mà không công bố thông tin, dư luận rất quan tâm đến vai trò giám sát của Sở GDCK Hà Nội (HNX). Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc HNX, cho biết:
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 của SQC đã được công bố, nhưng doanh nghiệp lại giải trình rằng từ tháng 7 mới sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, báo cáo quý III ngày 25-10 mới hết hạn. Nhìn lại câu chuyện của SQC và hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay, tôi cũng sốt ruột. Đối với trường hợp SQC, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không được khả quan lắm (lợi nhuận đạt 4,3% mà doanh thu lại điều chỉnh), giá CP vẫn lên, trong khi thanh khoản tương đối kém.
PHÓNG VIÊN: - Như vậy, SQC có thể xem là CP không bình thường được không?
Ông Trần Văn Dũng: - Thực ra rất khó nói đây là CP bình thường hay không bình thường, bởi có một số người vẫn đặt kỳ vọng vào một cuộc chơi. Có những phiên SQC không có giao dịch, bình quân giao dịch SQC trong mấy tháng vừa rồi ở mức 300-400 CP/phiên. HNX đã điều chỉnh khối lượng CP SQC để tính chỉ số HNX Index, từ 100 triệu CP (niêm yết) xuống còn 10 triệu CP (lượng được phép chuyển nhượng).
- SQC ngừng sản xuất vài tháng thì HNX mới biết thông qua báo chí. Như vậy, câu hỏi đặt ra đối với vai trò giám sát của HNX các doanh nghiệp ra sao?
- Sở GDCK chỉ quản lý việc niêm yết và giao dịch của các doanh nghiệp niêm yết thành viên. Còn việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm giám sát của Sở Kế hoạch-Đầu tư. Tất nhiên, khi doanh nghiệp gặp những bất ổn, chúng tôi phát hiện ra sẽ yêu cầu công bố thông tin bất thường ngay. Nó cũng giống như câu chuyện ra đường vi phạm giao thông và đặt câu hỏi là tại sao cảnh sát bắt tôi mà không bắt người khác. Vấn đề là hiện tượng mình nhìn thấy thì xử lý. Riêng việc vi phạm công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, hiện UBCKNN cũng xử phạt liên tục.
- Vậy việc SQC không công bố thông tin có nghiêm trọng không?
- Cái này chưa có có định lượng. Vì bao nhiêu là lớn? Bởi từ lớn cho đến nghiêm trọng là câu chuyện khác nhau. Nhưng phát hiện những sai phạm liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi chủ yếu thông qua báo chí, những vi phạm của cổ đông nội bộ hoàn toàn được phát hiện trên các hồ sơ giao dịch hàng ngày.
- Thời gian nhanh nhất để SQC có thể hủy niêm yết là khi nào? Đã có dấu hiệu gì để buộc SQC hủy niêm yết không?
- Nếu có, nhanh nhất cũng phải chờ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông. Cho đến bây giờ, các vi phạm để hủy niêm yết là hoàn toàn không có. Doanh nghiệp vẫn là công ty đại chúng, hoạt động có lãi. Việc hủy niêm yết nếu đại hội đồng cổ đông không đồng ý thì cũng không thể hủy được. Theo tôi, không nên hủy, thay vào đó làm cho thật rõ, thật công khai mình bạch, vì chúng ta đang xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch (!)
- Xin cảm ơn ông.
Tuấn Ngọc