Ai “khai tử” kênh rạch?

Người dân sống tạm bợ quanh những điểm ô nhiễm môi trường với hy vọng vào sự tích cực cải thiện môi trường sống từ chính quyền địa phương. Còn chính quyền than khó với nhiều lý do bất cập trong công tác quản lý vốn đã tồn tại từ lâu. Kết quả là nước trên kênh rạch đen ngòm đến mức báo động...
Ai “khai tử” kênh rạch?

Người dân sống tạm bợ quanh những điểm ô nhiễm môi trường với hy vọng vào sự tích cực cải thiện môi trường sống từ chính quyền địa phương. Còn chính quyền than khó với nhiều lý do bất cập trong công tác quản lý vốn đã tồn tại từ lâu. Kết quả là nước trên kênh rạch đen ngòm đến mức báo động...

Cha chung không ai khóc

Thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM cho thấy, TPHCM có 3.268 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 5.000km. Và có đến 4 đơn vị cùng quản lý các tuyến kênh này. Cụ thể, Khu quản lý thủy nội địa quản lý 112 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 975km. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2.247 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng gần 3.000km. Trung tâm chống ngập quản lý 680 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 845km. Còn lại UBND quận, huyện quản lý 229 tuyến sông, kênh, rạch với chiều dài khoảng 331km.

Đồ đạc trong nhà chị Giã Thị Cúc đều phải kê cao nhưng nhiều lần nước ngập quá đầu gối, hỏng hết vật dụng trong nhà. Ảnh: T.HỒNG

Mỗi cơ quan có chức năng khác nhau nên trách nhiệm quản lý cũng rất khác nhau. Ngoại trừ Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện có chức năng kiểm soát, xử lý trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường kênh rạch, các cơ quan còn lại chỉ có chức năng quản lý khai thác, sử dụng và cấp phép xả thải ra sông, kênh rạch. Điều này dẫn đến thực tế là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện có quyền xử phạt những tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường nhưng không nắm rõ có bao nhiêu đối tượng đang được cấp phép xả chất thải vào nguồn nước. Còn Trung tâm điều hành chương trình chống ngập có trách nhiệm đầu tư hệ thống xử lý cải thiện nước kênh rạch nhưng lại không có chức năng kiểm soát ô nhiễm đầu nguồn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ thủy lợi, cấp phép xả thải cho các doanh nghiệp có hệ thống dẫn chất thải ra kênh phục vụ thủy lợi nhưng cũng chỉ dừng tại đó. Trường hợp phát hiện kênh, rạch ô nhiễm thì chỉ có thể “nhờ” Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý. Riêng đối với hành vi xả rác thải ra kênh rạch thì luật bảo vệ môi trường cũng đã quy định mức xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng/hành vi, nhưng lực lượng chức năng nào sẽ thực thi quy định này thì chưa rõ! Thành phố còn có quyết định và chỉ thị tăng cường công tác quản lý đối với sông, suối, kênh rạch nhưng cho đến nay trách nhiệm chính thuộc về cơ quan ban ngành nào lại không rõ, nên việc thực hiện gần như không có.

Trông chờ ý thức tự giác, liệu có hiệu quả?

Rối trong quản lý khiến hoạt động cải thiện chất lượng nước kênh rạch bị bỏ rơi. TPHCM cũng chưa thực sự quan tâm quyết liệt đến vấn đề này. Điển hình nhất là việc cách đây 5 năm, UBND TPHCM đã quyết định ngưng cấp kinh phí vớt rác kênh rạch với lý do là để người dân tự ý thức hơn với việc xả rác ra kênh rạch. Tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng cách làm đó không phù hợp thực tế. Dân nhập cư vào TP tăng nhanh, lại thường xuyên biến động. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn rất kém. Ngay cả những nước trình độ nhận thức của người dân cao như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng phải duy trì hoạt động này. Các chuyên gia môi trường cho rằng, quyết định ngưng vớt rác kênh rạch sẽ giết chết hệ thống kênh rạch và thực tế này đã được chứng minh sau 5 năm đình chỉ hoạt động này. Toàn bộ hệ thống kênh rạch của TP đều trong tình trạng sắp “khai tử”. Thậm chí, tại hai tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc - Thị Nghè dù đã được TP đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo và duy trì việc vớt rác, cũng nhiều lần tái ô nhiễm vì rác và nước thải từ kênh rạch nhánh dẫn ra.

Tốc độ đô thị hóa tại TP diễn ra nhanh chóng, trong khi các kênh rạch nội thành bị che lấp bởi hàng trăm tấn rác thải do người dân vứt ra, tạo thành tầng tầng lớp lớp chặn ngang dòng chảy, dẫn đến ô nhiễm nước cục bộ và ngập úng mỗi khi có triều cường, mưa lớn. Theo Trung tâm chất lượng nước và Môi trường - Phân viện Quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam bộ, nước kênh rạch TP đã bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu ôxy sinh học), COD (nhu cầu ôxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng chất thải rắn lơ lửng, kim loại nặng… đều vượt tiêu chuẩn gấp hàng trăm lần cho phép. Nghiên cứu gần đây nhất về chất lượng kênh rạch của Sở Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra thêm trong nguồn nước kênh rạch đang lưu chứa rất nhiều loại trứng giun, sán cực kỳ độc hại, rất khó điều trị khi người dân mắc phải, thậm chí gây tử vong…

Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại rất nhiều khu dân cư sống dọc hệ thống kênh rạch ô nhiễm cho thấy, đời sống người dân vô cùng cơ cực. Toàn bộ trang thiết bị trong nhà đều bị hoen gỉ vì không khí độc hại. Nước bẩn từ hệ thống kênh rạch theo thuỷ triều hoặc mưa lớn dâng tràn vào nhà khiến nhà cửa khu vực này luôn trong tình trạng ố vàng. Đáng lo ngại nhất là hệ thống kênh rạch của TP đang bị biến thành những điểm ẩn chứa đủ các loại dịch bệnh. Gần đây nhất, hàng loạt người dân xã Phạm Văn Hai, Đa Phước đã phải nhập viện vì mắc bệnh dịch tả. Khu vực quận 8 và quận 4 thì thường xuyên hứng chịu dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt vì môi trường sống ô nhiễm.

Công tác quản lý còn chồng chéo, người dân còn thiếu ý thức, kinh phí cải tạo thì luôn trong tình trạng chắp vá. Vậy đến bao giờ hệ thống kênh rạch TP mới được trả lại đúng vai trò và chức năng của nó? Hay ngược lại, kênh rạch TP trở thành mối hiểm họa, đầu độc môi trường sống của chính người dân thành phố?

ÁI VÂN - GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục