Bóng đá cũng như nhiều môn thể thao khác, đều gồm 2 phần: phong trào và đỉnh cao. Trong bóng đá chuyên nghiệp, phần đỉnh cao còn được tách ra 2 phần riêng là chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp khi có sự tham gia của các doanh nghiệp. Tuy tách bạch như vậy nhưng về nguyên tắc, tất cả chỉ đều phục vụ một mục đích: đó là phát triển bóng đá của một quốc gia.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. VFF sau khi giao hẳn cho Công ty VPF quản lý các giải đấu chuyên nghiệp, vẫn vừa “cài cắm” nhân sự, vừa trực tiếp điều hành và thực tế cho thấy, Công ty VPF không đủ sức xử lý những vấn đề lẽ ra thuộc phần “hành” của họ. Khi có chuyện xảy ra, như trường hợp CLB XMXT Sài Gòn được thi đấu mà không đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp, bỏ giải mà không quan tâm đến hậu quả, thì chẳng có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm. Hậu quả, là cả nền bóng đá gánh chịu.
Cần phải thấy rằng, trách nhiệm cao nhất phải là Tổng cục TDTT. Đành rằng FIFA không cho phép chính quyền được can thiệp vào hoạt động của VFF, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn có quyền đặt ra các yêu cầu mà VFF phải thực hiện thông qua những tổ chức thành viên của mình. Thực tế, các quy chế chuyên nghiệp hoặc điều lệ thi đấu đều phải được Tổng cục TDTT thông qua. Những văn bản dưới luật này chính là nơi thể hiện năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng nhiều năm qua, Tổng cục TDTT đều duyệt những quy định do VFF trình lên, nhưng khi có chuyện, lại không thấy vai trò của tổng cục ở đâu. Một CLB không có tuyến trẻ, không gắn kết với địa phương như XMXT Sài Gòn vi phạm quy chế nghiêm trọng, nhưng VFF không “tuýt còi” và Tổng cục TDTT cũng im lặng để rồi khi đội bóng này giải tán, thủ tục còn đơn giản hơn cả việc giải thể của một doanh nghiệp.
Còn hệ thống bóng đá học đường đến nay hầu như là “vùng trắng” nhưng chưa thấy Tổng cục TDTT nói gì. Trách nhiệm này đương nhiên thuộc về VFF nhưng không thể phát triển phong trào trong nhà trường nếu Tổng cục TDTT chưa thể hiện vai trò điều phối, liên kết với các lĩnh vực khác trong quản lý nhà nước.
Trên thế giới, đội tuyển bóng đá Anh chơi kém, người ta có thể đổ lỗi cho giải ngoại hạng khi tràn ngập cầu thủ ngoại, nhưng không thể quy trách nhiệm cho ban điều hành giải đấu này. Tuy nhiên, các CLB chuyên nghiệp phải có bao nhiêu tuyến trẻ, phải tham gia bao nhiêu giải đấu do LĐBĐ tổ chức, phải có cơ sở vật chất và năng lực tài chính ra sao, trách nhiệm với quốc gia thế nào đều có quy định cụ thể và các CLB phải tuân thủ. Vì lẽ đó, các CLB có thể tràn ngập cầu thủ ngoại nhưng bóng đá Anh cũng chẳng cạn kiệt nhân tài cho quốc gia. Ngược lại, tại Việt Nam, quy chế có đủ các điều khoản áp đặt, điều lệ thi đấu yêu cầu cụ thể việc sử dụng cầu thủ trẻ ra sao, nhưng trên thực tế chẳng ai siết chặt quản lý, các chế tài cũng mờ nhạt, cách xử lý vẫn theo kiểu “ném chuột sợ vỡ bình” hoặc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Rõ ràng đã đến lúc phải làm rõ việc “ai lo cho bóng đá Việt Nam” thay vì cứ đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm. Tổng cục TDTT không thể cứ tìm cách quản lý bằng việc “cài cắm” nhiều người vào VFF để “hành chính hóa” một tổ chức xã hội. VFF cũng không thể vo tròn trách nhiệm khi nhân sự các nhiệm kỳ cứ chỉ bấy nhiêu gương mặt vốn mắc nhiều sai lầm trong quá khứ. Không thể cứ tiếp tục việc quản lý nền bóng đá bằng con người có nhiều giới hạn như vậy mà phải bằng những công cụ pháp lý đã được tách bạch chức năng. Vấn đề đặt ra là sử dụng những công cụ ấy như thế nào và việc thể hiện trách nhiệm ra sao?
ĐĂNG LINH