Ai lo cùng nông dân?

Thông tin từ báo SGGP trong bài “Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL - Bán nhiều, mua ít” (đăng ngày 10-6) đã làm nhiều người quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn hoặc người thành thị có người thân, gia đình là nông dân cảm thấy đắng lòng, lo lắng. Theo bài báo, việc tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL nóng lên từng ngày do vào kỳ thu hoạch rộ nhưng giá giảm mạnh, khó bán. Chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã triển khai nhưng giá lúa chỉ nhích lên 200 đồng/kg. Giá lúa tươi loại thường hiện nay chỉ khoảng 3.700 đồng/kg, giá lúa tươi hạt dài cũng chỉ 4.100 - 4.200 đồng/kg do xuất khẩu khó khăn thương lái mua rất ít. Nông dân tính giá lúa hiện nay thấp hơn 500 đồng/kg so với giá thành sản xuất, “thua” trắng mắt!

Không chỉ ở cây lúa và không chỉ riêng báo SGGP, thời gian gần đây báo giới đã đồng thanh lên tiếng về những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp với hàng loạt tựa đề ấn tượng: Giá bán gà rẻ hơn rau; Ngành chăn nuôi bế tắc; Sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ đình đốn; Không ôm mãi cây lúa; Nguy cơ vỡ nợ hàng loạt trong ngành cà phê…

Giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm rớt thảm hại, khó tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu thời gian gần đây làm không riêng nông dân trồng lúa, mà cả người nuôi tôm cá, gia súc gia cầm, các loại nông sản đều rơi vào cảnh khốn đốn do thua lỗ.

Vì vậy, chủ trương đảm bảo mức lời tối thiểu 30% cho nông dân đã trở thành chuyện xa vời. Từ Hậu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Đồng đã đề nghị khẩn thiết: “Giá lúa rớt thê thảm là nỗi bức xúc khôn tả của nông dân. Tôi thật sự chia sẻ và khó xử khi gặp nông dân trong hoàn cảnh này. Tôi mong rằng Chính phủ và VFA cùng các bộ ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp thiết thực để hạn chế những thiệt thòi về giá, cứu nông dân”.

Ngành nông nghiệp nước ta đang tồn tại nhiều nghịch lý: Chỉ tính riêng 10 năm qua, nông nghiệp nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm tăng 5,4% về giá trị. Khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, cao su, hồ tiêu… thuộc tốp hàng đầu thế giới nhưng càng nâng cao sản lượng thu nhập nông dân càng giảm, người sản xuất luôn luôn đối đầu với rủi ro về giá, đầu ra bấp bênh. Nước ta mỗi năm xuất khẩu gạo đạt 3,4 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu đến 3 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; trong đó có cả những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu như bắp, khoai mì, khoai lang…

Bán nguyên liệu giá rẻ, mua thức ăn chăn nuôi đắt hơn các nước trong khu vực (do các công ty có vốn nước ngoài khống chế, làm giá) đã làm ngành chăn nuôi điêu đứng, rơi vào bế tắc. Nông nghiệp Việt Nam có nhiều mặt hàng đứng đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng chưa bao giờ có vị thế làm giá trên thị trường thế giới, xuất giá thấp và càng xuất càng lỗ. Mặt hàng cà phê trong 5 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu 1,49 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Chính giá cà phê nội địa và xuất khẩu rớt mạnh trong suốt 3 tháng qua đã nổ ra sự việc mới đây: 7 ngân hàng cùng xiết nợ Công ty Trường Ngân (Bình Dương) do mất khả năng thanh toán. Vụ việc này không mới: Năm 2012 có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê vỡ nợ với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 43 đại lý, doanh nghiệp vỡ nợ 300 tỷ đồng và còn nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi…

Làm gì để cứu nhà nông? Ai lo cùng nông dân? Những vấn đề này đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết. Thực tế có nhiều chính sách đưa ra nhưng hoặc chưa đủ liều lượng, hoặc tác dụng hạn chế trong thực tế, như chủ trương tạm trữ 1 triệu tấn gạo chưa kích được giá lúa và nông dân chưa được hưởng lợi trực tiếp. Chủ trương ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu chưa tạo động lực vực dậy ngành này, nông dân và doanh nghiệp sản xuất - chế biến nông nghiệp vẫn khát vốn, thiếu vốn cầm cự trong bối cảnh đình đốn sản xuất hiện nay.

Ngày 31-5-2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg, giao nhiệm vụ một số cơ quan như NHNN, Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương…, chỉ đạo các cơ quan phối hợp triển khai các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho; hỗ trợ tín dụng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất khẩu… Chủ trương đã có, e rằng việc triển khai trong thực tế, đến cơ sở sẽ quá muộn, không đủ sức vực dậy ngành nông nghiệp đang rơi vào thế bế tắc, đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt hiện nay.

Muộn còn hơn không. Hơn lúc nào hết người nông dân trông chờ sự “ra tay” đồng bộ của các ngành chức năng, cùng lo với nông dân, như nhận định thực tế của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: “Các vấn đề nóng bỏng sẽ không được giải quyết một cách căn cơ nếu ngành nông nghiệp tiếp tục chạy theo các tình huống, trong khi nông nghiệp và nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, khi nông dân vẫn đang cần mẫn trên đồng ruộng nhưng hiệu quả thu về chưa cao…”.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục