Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? Bài cuối: Không dễ sớm mang nụ cười trở lại

Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? Bài cuối: Không dễ sớm mang nụ cười trở lại

Trong hơn một tuần qua, hai phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại Thái Lan để tường thuật trực tiếp những diễn biến cuộc xung đột của người dân nước này với chính quyền ở giai đoạn đỉnh điểm và phần nào giải mã câu hỏi: Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? Chúng tôi xin kết thúc loạt bài bằng những phân tích về nội tình xã hội Thái Lan cũng như những thách thức mà đất nước Đông Nam Á này phải đối mặt trong thời kỳ trước mắt. Với loạt bài này, Báo SGGP hy vọng đã mang đến cho bạn đọc đôi nét về tình hình Thái Lan trong những ngày máu và nước mắt tuôn ra thấm đẫm ở đất nước của những nụ cười.

Phải mất nhiều thời gian để tái thiết khu Trung tâm thương mại Central World ở Bangkok.
Phải mất nhiều thời gian để tái thiết khu Trung tâm thương mại Central World ở Bangkok.

Xung đột lợi ích giai cấp

Cuộc khủng hoảng do phe áo đỏ khuấy động đã tạo ra một bước ngoặt kinh tế - xã hội tại Thái Lan, khiến cho mọi người thấy rõ sự phân cực giữa người giàu và người nghèo, giữa giới thượng lưu bảo thủ, giàu có và giới nông dân, là nạn nhân của công nghiệp hóa và sự phát triển thiếu bền vững, xã hội Thái đang phân tầng sâu sắc, một lớp người mới nổi lên trong những năm ông Thaksin cầm quyền không chấp nhận lớp lãnh đạo mới. Bước ngoặt này bắt nguồn từ cuộc đảo chính năm 2006.

Bất ổn chính trị hiện nay cũng như lịch sử cho thấy rõ bên cạnh vai trò quyền lực tối thượng của nhà vua là quyền lực của các lực lượng vũ trang Thái Lan. Dù Thái Lan đã từng tiến hành một số cuộc bầu cử nhưng quân đội vẫn kiểm soát tình hình đất nước nói chung và chính phủ nói riêng. Có thể nói, kể từ khi vua Bhumibol Adulyadej lên nắm quyền, hoàng gia và quân đội có mối quan hệ chặt chẽ, điều đó cũng phần nào giải thích tên gọi của quân đội nước này: Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc phân tích, có hai cách nhìn nhận cuộc khủng hoảng. Cách thứ nhất là ông Thaksin, cựu Thủ tướng được lòng dân nhất từ trước đến nay tuy độc tài và tham nhũng, đã bị lật đổ một cách bất công và hai chính phủ thân Thaksin sau đó liên tiếp bị phe áo vàng lật đổ. Với cách nhìn thứ hai, cựu Thủ tướng Thaksin hiện lưu vong, đang gây dựng và tài trợ cho các nhóm vũ trang nguy hiểm và những người dân quê ít hiểu biết lên chiếm đóng khu vực trung tâm thủ đô, gây bất ổn kinh tế cho một đất nước chỉ muốn hòa bình và dân chủ.

Nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng là sự tiến triển của một xã hội quá bất bình đẳng, khiến người ta lo ngại tình hình sẽ trở nên đen tối hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Thái Lan đã tỏ ra ôn hòa trước phe phản kháng. Họ biết rằng phe chống chính phủ có được sự ủng hộ không chỉ của người nghèo, mà còn của nhiều người thuộc giới công chức, quân nhân, cảnh sát, trí thức và doanh nhân. Ông Thaksin bị lật đổ không chỉ vì ông ta tham nhũng, hay vì làm mất lòng nhà vua và quân đội, mà là do ông đã phần nào làm lu mờ vai trò của vương triều. Câu khẩu hiệu “Thaksin, tổng thống” mà phe áo đỏ dè dặt đưa ra nay không còn là hiếm hoi. Điều này không có nghĩa là nhân dân muốn thay chế độ quân chủ lập hiến bằng chế độ cộng hòa nhưng đây là khát vọng đổi mới.

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và chính phủ của ông đang phải đối mặt với một số nhiệm vụ và thách thức to lớn trong việc tái đoàn kết đất nước. Việc cải thiện hình ảnh quốc tế bị lu mờ, khôi phục trật tự xã hội và cuối cùng là hàn gắn bất đồng giữa các tầng lớp xã hội là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tiếp đến là giải quyết vấn đề khủng bố, tiến hành điều tra những người bị tình nghi có hành vi khủng bố cùng nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn các vụ bạo lực và đốt phá tái diễn. Thủ tướng Abhisit và chính phủ của ông cũng cần đối xử công bằng với người nghèo ở nông thôn Thái Lan, cam kết giải quyết vấn đề bất bình đẳng, tham nhũng...

Du lịch thất thu, kinh tế suy giảm

Hậu quả của khủng hoảng chính trị đang tác động xấu đến viễn cảnh phát triển kinh tế - xã hội Thái Lan, nhất là đối với ngành du lịch. Theo Hiệp hội Lữ hành nội địa Thái Lan, chi tiêu của người tiêu dùng và du lịch nội địa Thái Lan đã giảm mạnh trong dịp Tết truyền thống Songkran của nước này, từ ngày 13 đến 15-4 vừa qua. Hình ảnh “đất nước của những nụ cười” mà người Thái dày công xây dựng dường như đã sụp đổ, và các cuộc biểu tình, bạo loạn quy mô lớn luôn có nguy cơ bùng phát.

Tình trạng chính trị bất ổn đã khiến nhiều người thích đón Tết Songkran tại gia đình hoặc đơn giản là vui tết cùng bạn bè, người thân ở quê hương, khiến lượng khách du lịch trong nước dịp Tết Songkran của người Thái năm nay đã giảm 50% - 60% so với năm trước. Đối đầu giữa quân chính phủ và lực lượng áo đỏ đã biến trung tâm Bangkok thành vùng hạn chế đi lại đối với du khách ngoại quốc.

Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Puttipong Punnakan, tỷ lệ đặt phòng khách sạn ở Bangkok giảm 20%. Bình thường vào dịp này hàng năm, khách sạn tại Bangkok hoạt động với 80% - 90% công suất. Mặc dù phe áo đỏ đã phải nhượng bộ trước sự cứng rắn của chính phủ, song người ta vẫn lo ngại bất ổn chính trị và đối đầu giữa phe áo đỏ và chính phủ, cũng như những ảnh hưởng của các cuộc biểu tình, đụng độ đổ máu ở thủ đô Bangkok vừa qua. Điều này đã làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại và các nhà đầu tư nước ngoài hoang mang.

Lòng tin giảm sút

Tình hình xấu đi làm lòng tin tiêu dùng của Thái Lan giảm nhanh trong 2 tháng qua. Một số nhà bán lẻ chịu thiệt hại do những cuộc biểu tình buộc họ phải đóng cửa và cắt giảm việc làm. Phương tiện truyền thông thông báo tình hình bất ổn đã làm mất 63.000 việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Ngành du lịch chỉ chiếm 6% nền kinh tế Thái Lan song quan trọng hơn nhiều là thu hút 15% lực lượng lao động của nước này. Vì vậy, tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực du lịch có tác động mạnh đến hoạt động kinh tế.

Tác động trung hạn có thể nghiêm trọng hơn. Nhiều công ty Nhật Bản, những nhà đầu tư lớn nhất vào Thái Lan đã tỏ ý lo ngại và có thể tìm thị trường đầu tư khác. Một số thương gia Nhật Bản tạm hoãn ký hợp đồng mua đất vì bất ổn chính trị. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi Thái Lan, họ bán đi khoảng 584 triệu USD cổ phiếu. Hiện giá cổ phiếu tại Thái Lan đang ở mức rẻ nhất châu Á.

Quỹ đầu tư Fidelity cũng cho hay nếu khủng hoảng chính trị ảnh hưởng đến thu nhập của những công ty mà họ đầu tư, quỹ sẽ tính đến việc rút khỏi Thái Lan hoặc điều chỉnh danh mục đầu tư tại nước này. Điều này có thể gây tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu xe hơi và hàng điện tử, ảnh hưởng tiêu cực tới thặng dư thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện nay của Thái Lan và làm giảm giá đồng baht.

Hơn nữa, sau cuộc bạo loạn, một lượng lớn người Thái Lan có hoạt động kinh doanh và tài sản bị ảnh hưởng đã phải đăng ký để xin giúp đỡ. Theo tính toán sơ bộ, thiệt hại chung của 874 doanh nghiệp nhỏ và người dân vào khoảng 2,288 tỷ baht (70,61 triệu USD). Chính phủ cũng thành lập một cơ sở đại diện tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhằm giúp người dân đăng ký thiệt hại trong cuộc biểu tình. Tại cơ sở này, 580 người đã tới đăng ký thiệt hại, với tổng giá trị khoảng 442 triệu baht (13,64 triệu USD).

Báo Thái Lan, tờ World Daily số ra ngày 23-5 dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Thái Lan cho biết tổng thiệt hại kinh tế do người biểu tình áo đỏ chiếm giữ trung tâm thủ đô Bangkok trong hơn 6 tuần lên đến 500 tỷ baht (khoảng 15,7 tỷ USD), ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các ngành thương mại, du lịch và buôn bán. Chính trường Thái Lan mất 1 tháng mới khôi phục bình thường trong khi khôi phục kinh tế phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Hiệp hội vận tải biển Thái Lan thông báo, các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Những gì đang diễn ra tại Thái Lan là bài học cho các nước trong khu vực. Ổn định chính trị vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Trong lúc toàn thế giới đang chung tay vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trong thế kỷ 21, sự ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để vượt qua khủng hoảng và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Thái Lan cũng cho thấy, một xã hội trong quá trình phát triển cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề xã hội, hướng đến sự công bằng, dân chủ thật sự.

XUÂN HẠNH – VIỆT ANH

>> Bài 7: Bangkok hồi sinh
>> Bài 6: Tiếp cận quê hương “áo đỏ”
>> Bài 5: Lấy lại hình ảnh đã mất!
>> Bài 4: Bangkok chưa bình yên
>> Bài 3: “Một ngày của chiến tranh”
>> Bài 2: Bangkok vắng vẻ nhưng không bình yên
>> Bài 1: Vai trò của nhà vua và quân đội

Tin cùng chuyên mục