"Chúng tôi sẽ trồng cây gì nuôi con gì trong kỳ/vụ tới?" - nông dân Nguyễn Văn Hà, 66 tuổi, đặt câu hỏi này trong buổi đối thoại “Lãnh đạo với người nghèo” ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Lời giải đáp thuyết phục sẽ góp phần khắc phục được tình trạng “chặt trồng - trồng chặt” tự phát triền miên của nông dân. Câu hỏi đó đâu chỉ lơ lửng trên đồng bằng châu thổ Cửu Long?
“Chúng tôi sẽ bán cho ai, ở đâu; đầu ra có ổn định lâu dài?”. Rất nhiều cán bộ quản lý đã không trả lời được câu hỏi này. Và vì vậy, nông dân luôn bị động, vẫn phải bán lúa tươi, sản phẩm thô cho thương lái, thiệt đơn thiệt kép.
Xuất khẩu nhiều tất nhiên rất phấn khởi, song nói như GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chỉ mới là thắng bước đầu về số lượng. Cái ta cần phấn đấu phải là thắng về giá trị, chất lượng. Thất thoát sau thu hoạch hiện ở con số 5%, nếu giảm số thất thoát trên xuống 1% - 2% là có thêm cả triệu tấn lúa gạo, bằng mấy chục ngàn tỷ đồng.
“Lúa vụ ba tới thời điểm này coi như cả vùng thắng lớn. Nhưng nếu các doanh nghiệp cứ xuất khẩu gạo kiểu phần trăm (%) tấm như trước tới nay thì công sức toàn xã hội đương đầu với lũ để làm ra lúa, coi như bị xem nhẹ rồi!” - nông dân Tư Phước ở Tân Hồng, Đồng Tháp bức xúc. Bao giờ gạo Việt có được thương hiệu Việt?
Vì sao khoảng cách về mức sống, mức hưởng thụ giữa thành thị - nông thôn ngày một xa? Vì sao “Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”? ĐBSCL, nơi hàng năm chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn còn nhiều nông dân nghèo, dồn nặng lo toan? Chưa thoát được “vùng trũng” của cả nước về thu nhập và chăm lo giáo dục, y tế…?
Có một dầu son cần khắc ghi thật đậm cho người nông dân Việt Nam. Khói lửa 2 cuộc trường chinh giữ nước đã nhuộm đầy những tấm áo nâu sòng. Tan trận mạc, “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, họ lại lặng lẽ hòa mình vào khói rơm đốt đồng, sấp ngửa trên mảnh ruộng làng. “Phi nông bất ổn”, “Nông suy bách nghệ bại”, tiền nhân đã rút tỉa, chỉ ra cách sống cho hậu thế cả ngàn đời nay.
Những khắc khoải đó vọng lên từ ruộng đồng, của những con người cắm mặt xuống đất, lật lưng lên trời; chân ngập sình và móng tay nhuộm phèn. “Ù ù tiếng sấm/Xay xay cho đều”, họ chỉ cắm cúi ruộng sâu đêm ngày, không thể tự trả lời.
Lời giải đáp dành cho những ai tâm huyết, còn nặng lòng với “chân quê”.
Bình Tâm