Việc Abou Anas al-Libi, một thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Libya, vừa bị lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ bắt giữ trong một đợt truy quét tại thủ đô Tripoli, khiến không ít người tin rằng al-Qaeda sẽ suy yếu và sớm muộn cũng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mạng lưới khủng bố này vẫn chứng tỏ khả năng hồi sinh và đang nuôi mộng thành lập một vương quốc Hồi giáo tại Trung Đông.
Mất Bin Laden, có Ayman Zawahiri
Tờ Le Figaro dẫn một báo cáo mới đây cho biết, al-Qaeda đã phải hứng chịu nhiều tổn thất sau hàng loạt cuộc tấn công của quân đội Mỹ được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Barack Obama kể từ khi ông này đắc cử năm 2008. Tính đến nay, 25 trong tổng số hơn 40 nhân vật quan trọng của al-Qaeda đã được loại bỏ. Ngoài Bin Laden có thể kể đến Anwar Al-Awlaqi, một phần tử người Mỹ gốc Yemen, kẻ có trách nhiệm chiêu mộ người Hồi giáo ở châu Âu và Mỹ (bị tiêu diệt năm 2011) hay Said Al-Shiri, phần tử người Saudi Arabia, một phụ tá của Al-Awlaqi trong ban lãnh đạo nhánh al-Qaeda ở bán đảo Ảrập (AQPA) bị tiêu diệt đầu năm 2013.
Phần lớn các thủ lĩnh của al-Qaeda bị tiêu diệt trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV). Với các chiến dịch bằng UAV, AQPA đã bị thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, UAV không thể ngăn chặn sự mở rộng của mạng lưới khủng bố địa phương, chưa đủ làm suy yếu lâu dài một phong trào khủng bố đã biến tướng và ngày càng có nhiều chân rết ở các vùng lãnh thổ mà chúng cắm chốt. Theo đánh giá của các chuyên gia về al-Qaeda ở Iraq và Syria, các chi nhánh của mạng lưới này có khả năng thích ứng rất lớn với thực địa mà chúng phát triển. Các nhánh này cũng có khả năng dễ dàng thay đổi ban lãnh đạo bởi sự biến mất của một phần tử thánh chiến là điều đã được tính đến trong logic chiến đấu của chúng. Nếu Al-Awlaqi hay Al-Shiri biến mất, lập tức sẽ có Nasser Al-Wahaishi (một cựu thư ký của Bin Laden) thay thế cầm cương mạng lưới AQPA. Al-Wahaishi có thể liên lạc với Ayman Zawahiri, chỉ huy “al-Qaeda ở trung ương” hiện đang ẩn náu ở khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan.
Các phần tử khủng bố cũng rất biết cách di chuyển nơi ẩn náu trước các vụ tấn công của UAV. Ngay cả khi al-Qaeda ở Yemen từ bỏ một số khu vực sau đòn tấn công của các đơn vị quân đội và đặc nhiệm Mỹ, các thành viên của chúng vẫn có thể lẩn trốn tại các vùng có tộc trưởng yếu thế và chính quyền yếu kém, để có thể tiếp tục chuẩn bị lực lượng và vũ khí. Sự hỗn loạn do các cuộc nổi dậy của người Ảrập gây ra cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của các phần tử chóp bu của al-Qaeda, chẳng hạn như trường hợp trở về Libya của Abou Anas Al-Libi.
Thủ lĩnh hiện thời của al-Qaeda tại Iraq (AQI) là Abou Omar Al-Bagdadi vẫn qua lại Iraq và Syria thường xuyên và gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại cả hai nước. Trong những năm qua, các cơ quan tình báo phương Tây cũng đã phát hiện nhiều phòng thí nghiệm hóa học bí mật của al-Qaeda ở miền Bắc Iraq.
“Đại Syria”
Sự bất ổn bao trùm thế giới Ảrập, từ Libya đến Iraq, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria đang giúp al-Qaeda nuôi mộng nhanh chóng biến Syria thành căn cứ chính tại khu vực Trung Đông để từ đó lên kế hoạch xuất khẩu chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sang các nước láng giềng và phương Tây.
Báo Jewsish Press của Israel dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin tình báo và khủng bố Meir Amit cho rằng, những kẻ thánh chiến khát khao biến “Đại Syria” - thuật ngữ địa lý cổ bao gồm Syria, Lebanon, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine - thành một vương quốc Hồi giáo. Báo cáo xác định Mặt trận al-Nusra, nhánh chính thức của al-Qaeda ở Syria, đang nhanh chóng xâm chiếm khu vực phía Bắc và Đông Syria, nơi không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo tiến sĩ Reuven Erlich, Giám đốc Trung tâm Meir Amit, Mặt trận al-Nusra đang gia tăng ảnh hưởng tại Syria với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với al-Qaeda ở Afghanistan. Cựu quan chức tình báo quân đội Israel này lưu ý do Syria nằm ở vị trí trung tâm của Trung Đông, sát với châu Âu và có biên giới với Israel nên mối đe dọa thánh chiến từ Syria nguy hiểm hơn nhiều so với Afghanistan hoặc Pakistan. Ngoài ra, một tổ chức thánh chiến khác cũng đang hoạt động ở Syria có tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và đại Syria, do al-Qaeda ở Iraq thành lập, mặc dù al-Nusra là tổ chức duy nhất nhận được sự công nhận chính thức của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman Al-Zawahiri hồi tháng 6-2013. Hai nhóm thánh chiến này được cho là có khoảng 6.000 - 7.000 thành viên và con số này đang tăng lên. Tiến sĩ Erlich cho rằng ảnh hưởng của nhóm này rất lớn do khả năng hoạt động ở khu dân cư.
Miền Bắc và Đông Syria là nơi Mặt trận al-Nusra hoạt động mạnh nhất. Tại những khu vực được lực lượng thánh chiến gọi là “vùng giải phóng” này, al-Nusra và các nhóm liên kết cung cấp dịch vụ công, duy trì các hệ thống y tế, luật pháp và trật tự, cũng như phân phát các nhu yếu phẩm. Hầu hết các cuộc tấn công của tổ chức này đều tập trung vào các khu vực Damascus và những thành phố như Aleppo, Homs, Hama, Idlib và Deir al-Zor. Ở phía Bắc Syria, al-Nusra và các đồng minh đã chiếm được những nguồn tài nguyên quan trọng như các giếng dầu, đường ống dẫn dầu, đập nước, nhà máy điện. Lực lượng này đã điều hành các cơ sở chiếm được, trả lương cho thành viên, mua vũ khí và điều hành các chương trình trợ giúp ở các vùng tự do. Các vụ đánh bom liều chết là một thương hiệu của al-Nusra và khá hiệu quả.
Theo nhận định của không ít chuyên gia, một trong những kế hoạch của Mặt trận al-Nusra là tấn công Israel từ cao nguyên Golan của Syria và thiết lập cơ sở ở khu vực này. Các nước Ảrập thân phương Tây cũng nằm trong danh sách mục tiêu khủng bố. Các nước ủng hộ phe nổi dậy, như Jordan, Ai Cập và Saudi Arabia, có thể trở thành mục tiêu của al-Nusra khi nhóm này đưa các phần tử Hồi giáo cực đoan thâm nhập và thiết lập các cơ sở khủng bố tại các nơi nói trên.
ĐỖ CAO (Tổng hợp)