Một ngày cuối tháng 7, ngược tìm về “làng ma” Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Đến nơi ở mới sau nửa năm bỏ làng vì sợ… ma, cuộc sống của 17 hộ dân nơi đây vẫn bị cái nghèo, cái khổ bủa vây.
Bỏ làng, chạy… ma
Vượt gần 100km đường đèo dốc quanh co theo QL14G, chúng tôi về lại thôn Bút Tưa, nơi cách đây nửa năm, dân làng ly tán vì… sợ ma. Con đường bê tông dẫn vào làng bị rào bởi nhiều nhành gai rừng và xác cây xương rồng.
Bước qua khỏi hàng rào gai, tịnh không một bóng người. Hoang vắng. Những ngôi nhà xây kiên cố không còn mái che. Nền gạch hoa láng bóng đọng nước lấp lánh những tia nắng mặt trời, minh chứng nơi đây đã từng là ngôi làng hưng thịnh. Bước chân vào làng, một người dân đứng từ xa cảnh báo rồi lánh xa: “Đừng vào đó một mình. Nơi đây con ma nó ám, dân làng bỏ đi hết rồi. Vào đó, con ma không ưng cái bụng rồi lại quậy phá”.
Rời làng cũ, ngược trở ra, rẽ phải vào con đường bê tông mới đổ, chúng tôi vào làng mới của 17 hộ dân. Làng mới cách làng cũ chỉ chừng 1km, qua một quãng rừng lưa thưa. Đi đến cuối con đường bê tông, A Lăng Tèo bảo tôi đó là làng mới. Gọi là làng nhưng chỉ là mấy túp lều lợp tôn, phên nứa lè tè nằm san sát nhau.
Cùng mấy con nhỏ đứng tựa cửa nhìn ra, chị A Lăng Thị Phin (33 tuổi), than thở: “Hồi bên nớ (làng cũ - PV) nhà cửa khang trang nhưng phải bỏ đi. Chỉ dỡ mái tôn, giàn gỗ, còn lại bỏ hết ở đó. Sợ con ma nó ám nên phải bỏ làng qua đây, chừ chẳng biết làm gì để ăn. Mấy tháng rồi ăn gạo muối của Nhà nước”.
Chị Phin có chồng là A Lăng Triều và ba con nhỏ. Cách đây nửa năm, trước tết, anh chồng của chị là A Lăng Tròn đột nhiên treo cổ chết trong nhà. Tiếp đó, mùng 4 Tết, A Lăng Nghĩa, hàng xóm, cũng treo cổ chết. Cả làng bắt đầu nhốn nháo vì “con ma nó sống dậy trừng phạt”.
Già làng A Lăng Văn kể rằng, vào năm 1987, trong làng có 1 người treo cổ tự tử. Theo tập tục của người Cơ Tu, người treo cổ chết là do con ma nó bắt nên phải lập đàn cúng vái 7 ngày 7 đêm, sau đó chôn một con chó đen vào một cánh rừng để con ma có cái ăn, nó không về bắt dân làng nữa. Cánh rừng nơi chôn con chó đen là rừng ma, không ai được xâm phạm đến, nếu ai xâm phạm đến là đánh thức con ma.
Nhưng trước tết mấy tuần, một thanh niên trong làng bất chấp lời nguyền mang rựa vào phát khu rừng rồi đốt làm rẫy. Khi biết người thanh niên kia xâm phạm rừng ma, già làng Văn và những người trong làng phản đối nhưng người thanh niên kia không nghe lời. Cho đến khi dẫn đến 2 cái chết vì treo cổ liên tiếp, cả làng bỗng hoảng loạn vì tin rằng con ma nó mở mắt và về làng quậy phá, bắt người. Thế là cả làng bỏ chạy.
Nghèo đói bao vây
Đã nửa năm trôi qua, kể từ ngày bỏ làng chạy ma, đến nay 17 hộ dân thôn Bút Tưa phải đối diện với vô vàn khó khăn.
Vợ chồng ông A Lăng Kiêng (60 tuổi) cùng 4 người con bỏ làng cũ đến nơi khác xin đất để ở vì A Lăng Tròn, con ông treo cổ tự tử. Đến nơi ở mới, cha con ông dựng 4 căn chòi nhỏ ở tạm. Phía trước sân, một căn nhà gỗ, mái tôn đã dựng lên nhưng chưa có phên, trống hoác. Phía trước sân, gỗ sườn nhà của các con ông chất thành nhiều đống.
Bà A Lăng Đhai, vợ ông Kiêng, cho biết: “Dỡ nhà qua đây nhưng không có tiền để dựng lại nhà nên bỏ đó. Đến khi nào có tiền rồi dựng nhà, còn chừ ở tạm trong mấy cái lều này thôi”. Bà Đhai bảo, nhà bà ở làng cũ kiên cố lắm nhưng phải bỏ hết mà đi vì sợ con ma nó ám. Qua làng mới, cả đại gia đình bà với gần 20 con người không biết bám víu vào đâu mà sống, mấy tháng qua sống nhờ gạo, muối Nhà nước cấp cho.
Thương cảnh nghèo khó, Mặt trận Tổ quốc huyện Đông Giang hỗ trợ cho A Lăng Thị Póoi, vợ A Lăng Tròn, con dâu bà Đhai, 30 triệu đồng để xây nhà. Căn nhà vừa được bàn giao ngày 29-7 nhưng chưa có cửa, trống huơ.
Cách “đại gia đình” nhà ông A Lăng Kiêng một quãng chừng vài trăm mét, anh A Lăng Thừa đang cùng nhóm thợ hoàn thành những công đoạn cuối của ngôi nhà. Hỏi, anh Thừa bảo: Nhà mình bên ấy (làng cũ - PV) đẹp lắm nhưng phải bỏ đi. Nay về đây, vợ chồng tôi vay 50 triệu đồng của ngân hàng để xây lại ngôi nhà. Nợ cũng phải làm nhà cho vợ con ở.
Đối diện nhà anh Thừa, bà A Lăng Thị Cót (56 tuổi), nước da tái xanh, ốm nhom, nằm trên chiếc võng treo giữa gian nhà gỗ kiểu nhà sàn rộng chừng 12m². Bà Cót bị bệnh tim, bệnh phổi, dạ dày phải đến Bệnh viện Đông Giang chữa trị. Hết tiền nhưng bệnh không giảm, bà thương con nợ nần nên xin bệnh viện cho về nhà.
Con dâu bà cót, em A Lăng Thị Ngọc (27 tuổi), than thở: “Chồng em phải ở nhà chăm mẹ, chăm con, mỗi mình em đi làm nuôi cả nhà nên khổ quá”. “Sao không để chồng đi làm, em ở nhà?”, tôi hỏi, em Ngọc thật thà đến tội: “Chồng em ở nhà để khi nào mẹ ngưng thở biết mà cấp cứu chứ em không biết làm gì”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, cho biết: Trong số 17 hộ dân Bút Tưa bỏ làng đi nơi khác để ở đến nay chỉ mới 2 hộ xây được nhà, số còn lại không có tiền để làm. Ngày người dân bỏ làng đến nơi ở mới, xã đã vận động công an, quân sự xã đến giúp đỡ dân dựng nhà tạm để ở. Đất dựng nhà không có nên người làng nhượng cho mỗi hộ một mảnh nhỏ đủ dựng căn nhà.
Lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã cũng đến tuyên truyền, giải thích người dân từ bỏ hủ tục nên đến nay người dân phần nào cũng an tâm sinh sống, đời sống tạm ổn. Xã cũng trích 550 triệu đồng làm đường bê tông vào làng để dân có đường đi lại.
Rời Bút Tưa trong cơn mưa rừng xối xả. Những căn nhà thấp lè tè của người dân vừa dựng ở tạm mờ dần trong màn mưa. Nhớ những đôi mắt đen tròn đến sâu thẳm của những đứa trẻ làng Bút Tưa đứng tựa cửa nhìn ra màn mưa tối mịt. Rồi tương lai những đứa trẻ ấy? Câu hỏi cứ ám ảnh mãi chúng tôi trên đường mưa.
NGUYÊN KHÔI