Ám ảnh Mèo Vạc

Ám ảnh Mèo Vạc

Ám ảnh có lẽ là thứ hành trang ‘’nặng’’ nhất khi về xuôi của những người từng một lần đặt chân lên Mèo Vạc. Ám ảnh vì con đường mong manh tựa “mành chỉ treo chuông’’ chém ngang sườn núi; Ám ảnh vì những câu chuyện tưởng chừng đã thành cổ tích... Và hơn cả là nỗi ám ảnh về đá!

  • Ám ảnh đá
Ám ảnh Mèo Vạc ảnh 1

Lối mòn Mèo Vạc. Ảnh: H.Q.

Mèo Vạc nằm ở tuyến biên giới phía Bắc tỉnh Hà Giang, có đường biên giới dài 45km; Phía Đông giáp huyện Nà Pô, Quảng Tây, Trung Quốc và huyện Bảo Lạc, Cao Bằng; Phía Nam giáp huyện Yên Minh, Hà Giang và huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; Phía Tây giáp huyện Đồng Văn; Phía Bắc giáp Đồng Văn và huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Để hình dung đá ở Mèo Vạc nhiều đến cỡ nào, chỉ cần một câu là đủ: ‘’Trên trời, dưới... đá’’. Ngoại trừ việc ngó lên trời, còn cứ nhìn ngang, nhìn xuống là y rằng mắt chạm vào đá. Đá xám màu nguyên thủy của phong sương; đá lờ nhờ trắng, nhơn nhớt hồng khi bị ‘’bóc vở”; đá hình khối; đá hình chóp; đá hình bãi chông...

Nhiều người nói vui: ‘’Nếu đá Mèo Vạc xuất khẩu được thì huyện này sẽ giàu nhất nước’’. Nói vui mà chẳng thể vui vì đá Mèo Vạc là đá vôi, đã phong hóa hết, chỉ có thể để làm đường. Người ở đây xây nhà, dựng trường học phải theo xe trở ngược về tận thị xã Hà Giang để chở đá lên.

Có thể tạm chia đá Mèo Vạc ra hai loại: đá cho người sống và đá cho người chết. Với người sống, đá đóng một vai trò không thể thay thế. Người ta dùng đá để biến ngôi nhà của mình thành một pháo đài vững chãi. Việc đó đã có từ ngàn xưa, khi mà giặc giã, thú dữ còn hoành hành khắp vùng biên giới này. Đá còn được dùng để xếp thành chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn - một thứ tiện ích mà người miền xuôi không bao giờ có. Trên nương, đá được xếp thành những vòng cung giữ đất, giữ nước cho cây lúa trổ bông. Trên những sườn núi, đá giữ lại vài dúm đất nhỏ nhoi để người ta bỏ vào đó vài hạt ngô giống.

Trời nắng tươi, cả huyện Mèo Vạc vẫn xám xịt màu đá. Thứ ánh sáng của mọi nguồn sáng cũng chỉ yểm được chút nhiệt trên bề mặt của những mỏm đá tai mèo. Để rồi, một cơn gió núi thoảng qua, đá lại nguyên mặt lạnh. Chiều đến, khi vài ánh nắng quái cuối cùng tụt hẳn sau những đám mây, cả thung lũng Mèo Vạc xám ngơ xám ngắt, xám tới độ người đến lần đầu muốn... tụt huyết áp.

Anh chàng lái xe của chúng tôi, vốn là “thổ dân’’ Mèo Vạc, thấy chúng tôi co ro vì khí núi, trách nhẹ: “Đã bảo các anh rồi, trên này thời tiết thấp hơn hẳn dưới thị xã. Trời mùa hè, lúc nóng nhất, nhiệt độ trong thung lũng Mèo Vạc cũng chỉ trên dưới 250C. Còn tối, không đắp chăn thì đố ngủ nổi!”.

Mèo Vạc lạnh thật, cái lạnh của đá! Xung quanh vùng tập trung dân cư của thị trấn Mèo Vạc không một bóng cây to, không một công trình do con người xây dựng đủ lớn để ngăn chặn khí lạnh thoát ra từ lòng núi. Bởi thế, khi bóng tối bắt đầu lan tỏa cũng là lúc khí lạnh tràn vào thị trấn. Khác với dưới miền xuôi, khí lạnh ở đây có hình hài và màu sắc hẳn hoi.

Lúc mới từ núi chui ra, nó màu lờ nhờ trắng và tồn tại dưới dạng những hình khối khổng lồ. Tràn xuống thị trấn, khí lạnh bắt đầu loãng dần, tờ mờ, phảng phất. Những hình khối khổng lồ cũng mất dần và thoảng vào màn đêm. Khách xuôi mới lên, đang quen ngồi trong nhà, bước ra đầu hè, chợt rùng mình như chạm phải tường đồng, khô khô, lành lạnh, man mác...

Dọc đường núi quanh co gần lên đến thị trấn Mèo Vạc, thấp thoáng bên đường những ụ đá xám bằng chừng nửa chiếc chiếu đơn. Chẳng cần hỏi cũng có thể đoán được đó là những nhà mồ!

Cả đời người dân Mèo Vạc sống liền với đá. Lúc mất đi, lại đá! Thứ đá dành cho người chết cũng chẳng khác gì người sống. Cũng màu xám ấy, cũng là đá núi! Khác chăng ở chỗ, đá của người chết là tập hợp những viên đá lớn, nhỏ được sắp xếp thành một khối xác định.

  • Mái nhà, bể nước, con bò

Lần đầu tiên gặp nhưng cái nết hồ hởi của ông Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc - Nguyễn Trung Tài - khiến người mới lên không thể không cởi lòng. Cởi lòng để hiểu thêm Mèo Vạc, để hiểu thêm những ám ảnh của một con người - nếu ở dưới xuôi đã có thể coi là một huyền thoại.

Thời gian gần đây ở Mèo Vạc có một khẩu hiệu hành động khá lạ tai: “Mái nhà, bể nước, con bò’’.

Làm bí thư huyện ủy 2 năm, bước chân của bí thư Tài đã in trên 166 của tổng số 199 thôn bản. Trong đó, có những địa danh xa như Khâu Vai, giáp Bảo Lâm, Cao Bằng, phải đi bộ mất 2 ngày đường, anh cũng chẳng nề. Đi, nắm tình hình và tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số..., đó là những việc bí thư Tài luôn canh cánh.

Thấy tôi lẩm nhẩm cái khẩu hiệu là lạ kia, bí thư Tài cười vui: “Đó là những thứ thiết thực nhất đối với đời sống bà con trên này!”.

Ở Mèo Vạc, ba thứ: mái nhà-bể nước-con bò đã trở thành công thức “vàng”. Từ khi được UBND tỉnh Hà Giang đầu tư, người dân ở Mèo Vạc mới có vốn để nuôi bò, phát triển kinh tế. Thế nhưng, đầu tư là một chuyện, còn làm ăn được hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ, nước ở đây thiếu khủng khiếp. Khi lên thị trấn Mèo Vạc, mấy sĩ quan thuộc đội công tác tăng cường cơ sở kể với chúng tôi: Mỗi tuần, muốn tắm một trận cho ra tắm, các anh phải lặn lội gần chục cây số về tận trung tâm huyện. Thiếu nước, mà bò lại là động vật ‘’khát’’. Mỗi ngày, mỗi con “giải khát” sơ sơ cũng hết chừng 10 đến 15 lít. Không có nước, muốn nuôi bò, học sinh phải bỏ học để ở nhà đi lấy nước trên khe. Mà nước ấy chỉ đủ nuôi 1-2 con bò, chứ muốn phát triển thành đàn lớn hơn thì... bó tay.

Thấy được điều ấy, bí thư Tài bèn đưa vào nghị quyết Đảng ủy huyện 2 thứ nữa để đầu tư phát triển: mái nhà và bể nước. Mỗi nhà một mái. Mỗi gia đình một bể nước 4-6 m3. Vào mùa mưa, mái nhà có tác dụng như một vật dụng trung chuyển nước, rồi đổ vào bể. Thế là người Mèo Vạc có nước để dùng trong những ngày khô hạn.

Có mái nhà, có nước, trẻ em được đi học, trình độ dân trí được nâng lên. Có nước, phát triển được đàn bò, giúp bà con Mèo Vạc hết đói, hết nghèo... Ba thứ giản dị: mái nhà-bể nước-con bò, nếu ở dưới xuôi, chắc chẳng đem lại cho người ta nhiều đến thế. Nhưng ở Mèo Vạc, đó là tất cả!

Nhờ nước của trời, nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền, bây giờ, cuộc sống của người dân Mèo Vạc khấm khá hơn rất nhiều. Những con số tổng kết của năm 2003 đã thể hiện điều ấy: tổng sản lượng lương thực ước đạt 18.390 tấn, chia bình quân trên đầu người là 315kg; về chăn nuôi - thế mạnh của huyện, Mèo Vạc có đàn bò hơn 17 ngàn con, gần 2 vạn con lợn, xấp xỉ 12,3 ngàn con dê và trên 3 ngàn tổ ong, năm 2003 đã bán về xuôi 7.960 con gia súc với giá trị chừng 15 tỷ đồng.

  • Hai câu chuyện của bí thư Tài

Chuyện thứ nhất, khi Mèo Vạc mở rộng con đường vào thị trấn đã vấp phải một khó khăn tưởng chừng không thể giải quyết. Số là, trên tuyến đường cần mở rộng, có 5 ngôi mộ của người Mông án ngữ. Khó là vì, từ xửa từ xưa, đồng bào dân tộc Mông chưa bao giờ di chuyển mồ mả ông bà, tổ tiên mà đường thì không thể lượn vòng xuống vực. 3 tháng, rồi 4 tháng trôi đi, đơn vị thi công vẫn không thể thuyết phục nổi những chủ mồ kia. Cực chẳng đã, họ đành phải xẻ núi, làm tạm một vòng cung nhỏ để xe qua.

Biết chuyện, bí thư Tài xuống thẳng hiện trường, họp dân bản quanh đó lại và thuyết phục: đường này là đường của Đảng, Nhà nước làm để nhân dân Mèo Vạc đi lại thuận tiện, bà con sẽ giàu có hơn, nên mỗi người phải biết chịu thiệt thòi một chút. Mồ mả ông bà linh thiêng, nhưng nếu di chuyển đi để tốt hơn cho con cháu thì chắc ông bà cũng không trách. Cái lý đã thông, cái tình cũng trọn, bà con chẳng ai bảo ai cùng thuận lòng. Một ngôi, rồi cả 5 ngôi được di chuyển, tuyến đường chạy thẳng một lèo. Sau vụ đó, bí thư Tài còn vận động di chuyển được thêm 80 ngôi mộ khác để xây dựng trường học cho người Mông và người Lô Lô. Không những thế, anh còn vận động được người Mông rút thời gian làm ma từ 5-7 ngày xuống còn l-2 ngày.

Câu chuyện tiếp theo của bí thư Tài vẫn là chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số ở Mèo Vạc.

Theo thông lệ truyền từ đời này qua đời khác, đồng bào dân tộc Mông đều có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ chỉ là một miếng vải. Ngày 30 Tết, đồng bào thịt một con gà giò, lấy một ít tiết bôi vào tấm vải và dán vài cọng lông cổ lên. Cách đây hơn 2 năm, tin theo những kẻ truyền đạo trái phép, nhiều gia đình đã bỏ bàn thờ tổ tiên. Lúc ấy, bí thư Tài mới là phó. Cương quyết không để nhưng kẻ truyền đạo trái phép kia lợi dụng sự cả tin của người dân tộc hòng xóa bỏ truyền thống có từ ngàn đời, bí thư Tài vào cuộc. Nhiều người can ngăn anh đừng vào bản vì sợ kẻ xấu hãm hại. Anh bảo: ‘’Ai sợ thì cứ ở nhà. Tôi vào, nếu làm dân vận tốt thì đồng bào còn thịt gà cho tôi ăn ấy chứ!’’

Chuyến đi vào lòng dân ấy, đoàn công tác của Huyện ủy Mèo Vạc do phó bí thư Tài dẫn đầu không mang bất cứ một thứ vũ khí gì. Hành trang vào “hang cọp’’ của họ là cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, những băng hình tự dựng về cuộc sống định cư yên ổn của đồng bào các dân tộc ở Mèo Vạc và... kẹo.

Đoàn đến xóm Cốc Tổng, xã Liêm Sơn, một xóm 100% người Mông. Những kẻ truyền đạo trái phép ở đó đã lôi kéo được tất cả dân bỏ bàn thờ và theo đạo. Chúng còn đào một chiếc hố, đặt tên là ‘’Bình an’’, đổ nước vào và lừa phỉnh: ai nhảy vào hố mà ướt thì phải theo đạo, không ướt thì thôi.

Vừa chân ướt chân ráo đến nơi, phó bí thư Tài đã chỉ đạo và cùng các thành viên tỏa vào xóm nắm tình hình. Sáng hôm sau, đích thân anh đứng chủ trì cuộc họp với nhân dân cả xóm. Anh hỏi đồng bào: “Tại sao cần treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc?’’. Không ai trả lời. Anh bèn kể lại cho mọi người nghe về cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Anh giải thích luôn: “Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam, sống trên mảnh đất Việt Nam, vì thế nên treo cờ Tổ quốc’’. 

Nghe có lý, dân tin, rồi nghe. Cả 14 hộ ở xóm Cốc Tổng đều nhận cờ, ảnh Bác Hồ của đoàn công tác về treo ở nhà và dựng lại bàn thờ tổ tiên. Tiếp đó, phó bí thư Tài còn phổ biến cho đồng bào dân tộc cách làm ăn để có cuộc sống no đủ, êm ấm.

Dần xa Mèo Vạc cũng là lúc sương mù nhạt đi, trả lại cái nắng chói cho mặt đường. Người dưới xuôi muốn mang về một mảnh đá của Mèo Vạc làm kỷ niệm nhưng biết chọn mảnh nào đây giữa một trời đá núi?

Huy Quân

Tin cùng chuyên mục