Ấm áp nhờ… gió và rác

Từ những chiếc quạt gió...
Ấm áp nhờ… gió và rác

Có vẻ như một nghịch lý, song đây là một hiện thực trên đất nước Đan Mạch-đất nước của người kể chuyện vĩ đại Andersen. Chính sách Năng lượng xanh đã được Chính phủ Đan Mạch kiên quyết thực hiện, không nhượng bộ, dù vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay lợi nhuận…

Từ những chiếc quạt gió...

Màu sơn trắng với dáng vẻ thanh thoát của những chiếc quạt gió rất dễ khiến người ta bất ngờ khi biết được kích thước thật của chúng. Cao 65m với sải cánh 35m, công suất của các trạm điện gió được lắp đặt ở Đan Mạch lên tới 3-5 MW/trạm.

Ấm áp nhờ… gió và rác ảnh 1

Nguồn điện từ gió còn được xuất từ Đan Mạch sang Đức.

Đến thăm ngôi làng nhỏ bé Lolland nằm cách thủ đô Copenhagen chừng 180km về phía Nam – một vùng nông thôn đích thực của Đan Mạch, một nơi không hề có siêu thị hay nhà hàng lớn – hình ảnh đầy ấn tượng đối với chúng tôi là những trạm điện gió nổi bật trên cánh đồng xanh và ngoài khơi xa.

Sylvia Magnoni, Giám đốc bộ phận quan hệ quốc tế của Baltic Sea Solution (BASS), đơn vị đang điều phối các dự án phát triển năng lượng tái tạo ở Lolland nói với chúng tôi, tại ngôi làng này, một số người dân địa phương đã cùng nhau góp vốn để sở hữu những trạm điện như vậy.

Nguồn điện sạch từ gió hiện nay không chỉ đủ tiêu dùng cho Lolland mà còn được xuất khẩu sang nước Đức láng giềng. Sản xuất thiết bị và chuyển giao công nghệ điện gió đã trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương.

Từ chỗ có tỷ lệ thất nghiệp rất cao (30%-35%), ngày nay tại Lolland, tỷ lệ này đã được hạ xuống chỉ còn 4%-6%.

“Với mức tăng trưởng bình quân lên đến 30%/năm, thách thức chính của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện gió là… làm sao đáp ứng đủ yêu cầu. 2006 đã là một năm kỷ lục của điện gió với tổng công suất lắp đặt lên tới 15GW ở 70 quốc gia.

Trong nhiều năm tới, ước tính cứ sau 3 – 4 năm, công suất điện gió sẽ lại tăng trưởng gấp đôi, ít nhất là cho đến năm 2011” - chị Sylvia hồ hởi cho biết. Công nghiệp sản xuất tuabin gió của Đan Mạch tập hợp khoảng 200 công ty, đang sử dụng khoảng 21.000 lao động ở nước này. Nhưng các trạm điện gió ngoài khơi mới là đặc sản Đan Mạch, chiếm hơn 90% thị trường thế giới.

... đến thùng rác trong mỗi gia đình và rơm rạ trên đồng

Những chiếc xe tải thùng kín liên tục chạy qua lằn cân tự động, lái xe nhổm người, quẹt thẻ từ vào cột thẻ, rồi tiến đến đổ rác vào buồng đốt và chạy ra… Cứ như thế, từ nhà máy đốt rác lớn nhất của Đan Mạch (có công suất thiêu hủy 2,5 triệu tấn rác sinh hoạt mỗi năm), nhiệt năng được cung cấp cho gần một nửa cư dân thành phố Copenhagen dưới dạng nước nóng.

Soren Skov, kỹ sư của nhà máy Vestforbranding, cho chúng tôi biết, tại đây, sau khi cân rác, trả phí thiêu hủy (qua thẻ tín dụng), rác được trộn đều, sau đó thổi O2 vào trong suốt quá trình thiêu hủy để đảm bảo cháy hết.

Toàn bộ quá trình thiêu hủy được điều khiển tự động chỉ với 3 nhân viên, trong đó 2 người luôn giám sát toàn hệ thống, 1 người xử lý các công việc bên ngoài khi cần thiết.

Đáng nói là, trong mỗi gia đình ở đây đều có những chiếc thùng rác 4 ngăn (phân chia thành rác hữu cơ, thủy tinh, giấy, nhựa). Sẽ mất một vài giây để phân biệt ô cần thiết trước khi bỏ rác vào, đổi lại bạn sẽ được trả tiền cho những phế thải tái chế được và chỉ mất chi phí cho những gì cần thiêu hủy hoặc chôn lấp.

Ý thức phân loại rác thải (sẽ được ghi nhận rất cụ thể và thiết thực từ “cân đối ngân sách” của mỗi người dân) đã giúp cho đất nước này giảm tối đa chi phí xử lý rác, chỉ có khoảng 25% rác thải sinh hoạt của thủ đô Copenhagen phải thiêu hủy mà thôi.

Bạn có lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng đốt rơm ngoài đồng ở Đan Mạch là… vi phạm pháp luật? Bởi vì đó là một hành động vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Rơm, sau khi phơi sấy (giảm độ ẩm xuống dưới 24%) sẽ được ép thành khối (khoảng 0,5 tấn/ khối), chuyển tới nhà máy làm nhiên liệu phục vụ phát điện.

DONG Energy (Denmark Oil and Natural Gas Company), tập đoàn năng lượng lớn nhất Đan Mạch, có hợp đồng với hàng trăm hộ nông dân và 5 công ty vận tải thường xuyên thu mua rơm để sản xuất điện. Tất nhiên, vụn gỗ và tất cả vật liệu hữu cơ khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cũng không bị bỏ qua…

Tại DONG Energy cũng như hầu hết tập đoàn công nghiệp khác của Đan Mạch, nguyên tắc kết hợp nhiệt năng với điện năng và tận dụng tối đa sản phẩm phụ (by-product) được quán triệt, tạo nên “bí quyết”–mà Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ - nhằm tối đa hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, đồng thời hạn chế lượng phát thải khí CO2 ra môi trường.   

Sự ưu ái cho xe đạp

Hình ảnh chiếc xe đạp đã và đang phổ biến tại nhiều đô thị lớn ở khắp nơi trên thế giới. Copenhagen không là ngoại lệ. Đáng nói là tỷ lệ người sử dụng xe đạp làm phương tiện đi làm hàng ngày rất cao, kể cả ở nhóm người trên 40 tuổi. Trong khoảng thời gian 1998 – 2000, số người đi xe đạp ở độ tuổi trên 40 đã tăng từ 25% đến 38%.

Đặc biệt, nhờ được dành riêng làn đường ưu tiên nên di chuyển bằng xe đạp đôi khi lại… nhanh hơn cả ô tô! Nikolaj Juncher Wadegaard, nhân viên Bộ Ngoại giao Đan Mạch, nói, nhà anh cách cơ quan chừng 7km, đi xe đạp chỉ hết khoảng 20 phút, nhưng nếu đi ô tô sẽ mất khoảng 30 phút.

Đó là chưa kể đi xe đạp tiết kiệm được một khoản kha khá tiền xăng. Chính quyền Copenhagen đang đặt ra mục tiêu khá cao, nhưng hiện thực: đưa số người sử dụng xe đạp như phương tiện đi làm hoặc tin tưởng rằng đó là “cách thức di chuyển an toàn và thích hợp” lên tới 80% vào trước năm 2012.

Sẽ rất khó tưởng tượng rằng, chỉ cách đây 3 thập kỷ, Đan Mạch vẫn còn phụ thuộc tới 90% vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Giờ đây, quốc gia nhỏ bé bao gồm mấy trăm hòn đảo lớn nhỏ trên biển Baltic lạnh giá này đang đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng tái tạo và hiệu suất sử dụng năng lượng.

Trong 30 năm, Đan Mạch đã tăng gấp đôi trị giá GDP trong khi tổng năng lượng sử dụng không tăng!

Đồng thời, trong suốt một thập kỷ trở lại đây Đan Mạch là nước tiên phong trong sản xuất thiết bị, công nghệ năng lượng tái tạo. Đó là những thành quả to lớn không chỉ ở khía cạnh kinh tế!

Mục tiêu của Đan Mạch: Năm 2025, tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 30% tổng năng lượng tiêu thụ (hiện nay tỷ lệ là 15% và nếu tính riêng điện năng thì “điện sạch” chiếm 28%). Năng lượng tái tạo ở Đan Mạch bao gồm điện gió, rác thải, năng lượng mặt trời, địa nhiệt.

Chính phủ Đan Mạch quyết định dành 150 triệu EUR/năm cho nghiên cứu phát triển năng lượng, bao gồm cả một chương trình thử nghiệm phát triển nguồn năng lượng mới và công nghệ môi trường.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục