Ấm áp tình người sau lũ

Ấm áp tình người sau lũ

Ngay khi chương trình “Vì đồng bào miền Trung ruột thịt” kết thúc, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã cùng các đơn vị tài trợ và nghệ sĩ tham gia chương trình lên kế hoạch đến tặng quà cho bà con khu vực Trung Trung bộ.

Điểm đầu tiên đoàn công tác Báo SGGP và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng nhóm cứu trợ của ca sĩ Minh Thuận đến là Bình Định. Đoàn dự định ngày 19-11 (4 ngày sau khi chương trình ca nhạc gây quỹ “Vì đồng bào miền Trung ruột thịt” diễn ra) sẽ đến thăm bà con ở huyện Tuy Phước, Bình Định, nơi nước lũ đang tràn về. Tất cả đã sẵn sàng lên đường, nhưng ngay tối 18-11, điện thoại của địa phương thông báo nước đã tràn bờ bao và đang bao vây các con đường dẫn vào các xã, do nước chảy xiết nên địa phương đề nghị đoàn dời lại 2 đến 3 hôm sau.

Bà con ở huyện Tuy Phước nhận quà cứu trợ của Báo SGGP, SCB và ca sĩ Minh Thuận.

Bà con ở huyện Tuy Phước nhận quà cứu trợ của Báo SGGP, SCB và ca sĩ Minh Thuận.

Cơn mưa chiều 23-11 ở Quy Nhơn vừa dứt, chúng tôi nhận được tin báo nước đang rút,  mọi người lục tục chuẩn bị lên đường. Trước đó, ngày 19-11, chúng tôi đã chuyển 2 tấn gạo, 200 thùng mì gói và 1.000 chai nước tương bằng đường tàu hỏa ra Bình Định. Đó là phần quà của đoàn ca sĩ Minh Thuận ủng hộ. Ông Vũ Sĩ Dzư, Giám đốc SCB chi nhánh Bình Định, cho biết anh em SCB đã nhanh tay tự mua bao bì, phân chia mỗi bao gạo lớn ra từng bao nhỏ 10kg để tặng cho 200 hộ gia đình ở huyện Tuy Phước.

Ngay sau khi lũ dồn dập ập đến miền Trung, SCB đã vận động cán bộ công nhân viên trích một ngày lương để tham gia chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung. Đây là chuyến cứu trợ thứ 3 của SCB với Báo SGGP chuyển đến  bà con miền Trung.  

Từ 7 giờ sáng, sau khi được cán bộ xã thông báo sẽ có đoàn đến tặng quà cho các gia đình bị ngập lũ, bà con ở các xã Phước Hòa, Phước Thắng đã đến UBND xã đông đủ. Bác Trần Thị Đào, 89 tuổi, ở thôn Bình Lâm cho biết, nước lũ ập vào thôn buổi tối nên mọi người không kịp trở tay, các con của bác chỉ kịp vơ vội hũ lúa và giỏ quần áo chất lên đà ngang của mái nhà. Lũ ngập nhà kéo dài 4 ngày nên gần như cả nhà bác Đào không còn gì để ăn, bây giờ gạo là thực phẩm cần thiết nhất đối với cả gia đình bác.

Cùng tâm trạng với bác Đào, bác Hồ Thị Hương, 83 tuổi, còn nói thêm, nước lũ vây hãm nhiều ngày khiến cánh đồng lúa ngập úng hết, do đó bà con đang lâm vào cảnh mất trắng mùa vụ này. Nhiều gia đình ở thôn Tùng Giảng cũng đang lo lắng không có lúa để ăn. Mùa này mà mất trắng thì phải đến tháng 3 Âm lịch mới có mùa gặt mới, trong khoảng thời gian này, họ không biết tìm đâu ra gạo để sinh sống…

“Chỉ cần có gạo chúng tôi không sợ đói vì thức ăn có sẵn dưới sông, mương, vài con cua, con ốc cũng đủ qua ngày”, bác Nguyễn Thị Tư ở thôn Tùng Giản tâm sự.

Bác Phan Văn Tuân, 72 tuổi, ở thôn Dương Thành cho biết bác đã lặn lội 7km từ nhà ra xã để mong nhận được gạo, đối với gia đình bác, chỉ cần có gạo là đủ. Cầm phong bì 500.000 đồng do SCB tặng, bác Tuân lóng ngóng không biết cất ở đâu. Khi được hỏi, bác sẽ dùng số tiền này để làm gì, bác đáp gọn: “Để mua gạo”. Cẩn thận cột chặt gói quà sau yên xe đạp, bác Tuân hối hả đạp xe về với con cháu…

Ông Đặng Hồ Đức, cán bộ văn xã của xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước cho biết huyện Tuy Phước là rốn lũ, các xã đều ở trong khu vực trũng, nên chỉ cần nước sông Gò Bồi, sông Kôn lên cao là gần như 90% hộ dân ở các xã đều bị ngập. Cơn lũ vừa rồi đã khiến 51 nhà dân ở Phước Hòa bị sập và 29 nhà dân ở Phước Thắng bị hư hỏng hoàn toàn.

Tuy không có nhiều kinh phí để giúp bà con vùng lũ sửa chữa lại mái nhà, nhưng với phần quà gồm 500.000 đồng tiền mặt, 10kg gạo, một thùng mì tôm và 5 chai nước tương là khá cần thiết cho bà con huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, từ 5-11 đến nay có 13 đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước đã đến với bà con huyện Tuy Phước, thế mới thấy tình người trong và sau lũ thật là ấm áp…

MINH THẢO

Tin cùng chuyên mục