Ấm lòng với góc bếp Nam bộ

Ẩm thực hay cách thức ăn uống của từng vùng, miền bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa và là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, phong vị dân tộc, phong vị đặc trưng của mỗi vùng, miền. Văn hóa ẩm thực Nam bộ là kết quả của quá trình con người ứng xử với môi trường tự nhiên, là cách con người tận dụng và cải biến môi trường tự nhiên làm phong phú thêm cho cuộc sống của mình.
Ấm lòng với góc bếp Nam bộ

Ẩm thực hay cách thức ăn uống của từng vùng, miền bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa và là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, phong vị dân tộc, phong vị đặc trưng của mỗi vùng, miền. Văn hóa ẩm thực Nam bộ là kết quả của quá trình con người ứng xử với môi trường tự nhiên, là cách con người tận dụng và cải biến môi trường tự nhiên làm phong phú thêm cho cuộc sống của mình.

  • Không gian gia đình

Bộ bàn ăn bằng gỗ của một gia đình trung lưu cuối thế kỷ 19, cách bày dọn thức ăn cùng những hình ảnh thể hiện cách ăn uống theo phong cách người Nam bộ xưa là những ấn tượng đầu tiên thưởng lãm trưng bày chuyên đề “Phụ nữ Nam bộ trong văn hóa ẩm thực”.

Trong góc trưng bày tái hiện gian bếp xưa, nhiều khách thưởng lãm đã phải trầm trồ khi bắt gặp đâu đó hình ảnh rất đẹp trong ký ức từ những ngày thơ bé. Đó là gian bếp còn đỏ hồng than củi, là đòn bánh tét treo lủng lẳng trên chạn bếp, giàn mướp xanh mướt phía sau khung cửa tre, là lu nước mát ngọt với chiếc gáo dừa nằm bên gốc đu đủ trĩu quả, là bụi chuối đung đưa sau vườn…

Ở góc đối diện là gian phòng khách rộng có mâm cơm bày sẵn, chén bát với nhiều món ăn dân dã như bánh tét, bánh ít, bánh khoai mì, chuối nướng...

Bổ sung thêm cho không gian góc bếp Nam bộ xưa là một số hiện vật và hình ảnh bộ sưu tập dụng cụ chế biến thức ăn, đoạn phim chiếu về nghề làm bánh và tài liệu giới thiệu các món ăn gắn liền với từng vùng đất, địa phương. Tất cả đã khơi gợi khoảnh khắc đầm ấm của gia đình, làm nên một không gian rất đặc trưng của miền quê và con người Nam bộ, mộc mạc, phóng khoáng mà cũng rất đỗi chân tình.

Vùng đất Nam bộ mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có văn hóa ẩm thực. Văn hóa ẩm thực của Nam bộ thể hiện đậm nét sự tự nhiên, đa dạng, phong phú, mộc mạc và chân chất. Nam bộ khí hậu thuận hòa, đất đai trù phú, màu mỡ, sông rạch chằng chịt, phù sa bồi đắp quanh năm, là nơi sinh trưởng tốt cho các loài động, thực vật rất phong phú từ rau, củ, quả đến tôm, cua, rùa, rắn và đủ loại chim trời cá nước. Nguồn động, thực vật phong phú này là cảm hứng cho người dân Nam bộ chế biến nhiều món ngon, vật lạ độc đáo.

Khách thưởng lãm các món ăn truyền thống Nam bộ.

Khách thưởng lãm các món ăn truyền thống Nam bộ.

  • Nét đẹp văn hóa truyền thống

Với gần 200 hiện vật và hình ảnh trưng bày, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tái hiện được khá đậm nét không gian của một gia đình trung lưu ở Nam bộ. Cùng với các nguyên liệu để nấu nướng còn có các dụng cụ chế biến, bày biện thức ăn, bánh trái và đồ dùng trong ăn uống như nồi, thố, lẩu, chén, dĩa, đũa, muỗng, các loại khuôn bánh… với nhiều chất liệu và kiểu dáng đã được người dân sáng tạo và gìn giữ cũng được giới thiệu lồng ghép trong không gian của ngôi nhà.

Ở Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng, người phụ nữ luôn đóng vai trò chính trong việc chế biến các món ăn. Trong nhịp sống hối hả, với bao nỗi lo toan thường nhật, người phụ nữ Nam bộ xưa cũng như nay vẫn luôn nỗ lực để vẹn toàn hình ảnh của người vợ, người mẹ - những người giữ hồng ngọn lửa ấm áp trong mỗi góc bếp, người xây tổ ấm trong mỗi mái nhà.

Hàng trăm năm qua, các thế hệ phụ nữ Nam bộ truyền nhau gìn giữ và phát huy những bí quyết của nghệ thuật chế biến các món ăn. Chính vì thế mà tinh hoa ẩm thực Việt Nam được phát huy và trở thành nguồn văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá.

Tuy nhiên hiện nay, vai trò của người phụ nữ trong hai chữ công dung đang dần bị lãng quên và trở thành nhiệm vụ thứ yếu trong các gia đình trẻ Việt Nam hiện đại. Ngoài những bộn bề trách nhiệm gia đình, người phụ nữ còn gánh vác những công việc xã hội hàng ngày.

“Do vậy, chuyên đề Phụ nữ Nam bộ trong văn hóa ẩm thực nhằm mục đích tôn vinh những tập quán tốt đẹp, sự đảm đang, khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Nam bộ trong văn hóa ẩm thực. Trưng bày mong muốn mang đến công chúng và các bạn trẻ những giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp, phản ảnh những hình ảnh đời thường giản dị, nhân ái của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di sản văn hóa về tâm hồn người Việt xưa và những món ngon Nam bộ” - bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ bày tỏ.

* Chuyên đề Phụ nữ Nam bộ trong văn hóa ẩm thực được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, số 202 Võ Thị Sáu, quận 3 TPHCM, từ nay đến ngày 10-12. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục