Âm nhạc trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lâu nay, âm nhạc đã được sử dụng khá phổ biến trong tuyên truyền, từ kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến đến tuyên truyền các chủ trương, chính sách. Tiếp nối những thành quả ấy, trong công cuộc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, TPHCM đã và đang vận dụng có hiệu quả âm nhạc trong tuyên truyền, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tấm gương của Người thẩm thấu vào từng người dân.
Tác phẩm âm nhạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu diễn tại các hội nghị tại quận 7
Tác phẩm âm nhạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu diễn tại các hội nghị tại quận 7

Kho tàng tác phẩm về Bác Hồ

Tại chương trình văn nghệ trong buổi trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho học sinh quận 7 mới đây, chúng tôi thấy em Nguyễn Thúy An (học sinh lớp 9, ngụ phường Phú Mỹ) chăm chú theo dõi chương trình. An cho biết, đây là lần thứ 3 em nghe những bài hát này. Lần đầu em không để ý lắm, lần thứ 2 nghe thấy có chút quen thuộc và lần này, em thấy thấm thía hơn những câu từ trong các bài hát về Bác Hồ.

Đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, quận 7 đã dàn dựng 5 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh để biểu diễn trong các buổi hội họp và chương trình văn nghệ quần chúng trên địa bàn. Với lời bài hát ý nghĩa, được dàn dựng công phu, đẹp mắt, các tác phẩm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Theo Phó phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Diễm, TPHCM đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị đã có nhiều hoạt động triển khai nội dung này. Một trong những nội dung mà Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM hướng đến là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phi vật thể, trong đó ứng dụng mạnh mẽ các loại hình nghệ thuật, nhất là âm nhạc.

Trên cơ sở thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, TPHCM đã có nền tảng là hơn 100 tác phẩm đạt Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tổ chức từ nhiều năm qua. Năm 2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền tất cả tác phẩm đã nhận được từ năm 2015 đến nay. Theo đó, mỗi năm sẽ dàn dựng theo kiểu MV đối với 10 bài và gửi đường dẫn đến hệ thống chính trị tại các quận, huyện, sở, ngành để đăng tải trên các phương tiện truyền thông của đơn vị. Trong số 10 tác phẩm đó, các quận, huyện cũng chủ động dàn dựng phù hợp với đặc thù dân cư của địa phương và sử dụng để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, các cuộc họp trên địa bàn.

Phát động sáng tác trong nhân dân

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm nhận xét, các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh khá kén người nghe, và nếu nghe vài lần cũng chưa hẳn đã thấm. Vì vậy, cần có chiến lược quảng bá các tác phẩm sáng tác về Bác một cách sâu rộng. Trước mắt, trong tất cả chương trình nghệ thuật của TPHCM, của các địa phương, đơn vị công lập sẽ có một vài bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khi người dân được tiếp cận thường xuyên, liên tục thì ý nghĩa của bài hát sẽ thẩm thấu vào suy nghĩ của họ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh. 

Trước đây, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chỉ dành cho giới nghệ sĩ. Từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng quán triệt thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, TPHCM đã mở rộng đối tượng dự thi đến khối không chuyên. Từ năm 2015 đến nay, TPHCM đã nhận được hơn 50 tác phẩm (tân nhạc và ca cổ) của người dân và cán bộ, công chức, viên chức các cơ sở tham gia. Các tác phẩm gắn với địa phương, đặc thù của dân cư, rất gần gũi và bình dị, thể hiện rất rõ tình cảm của người dân dành cho Bác.  

Tại quận 8, từ năm 2018 đến nay, quận đã tổ chức 10 hội thi về sáng tác các tác phẩm về Bác, thu hút hàng trăm đơn vị, cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tham gia. Trong đó, nhiều tác phẩm tham gia dự giải tại TPHCM, Trung ương và nhận được giải cao, như tác phẩm Di chúc Người sáng mãi trong tim; Theo bước chân Người ta đi của ông Kiều Tấn Minh (ngụ phường 2, quận 8). 

Tại huyện Bình Chánh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Võ Thị Hoàng Oanh cho biết, riêng năm 2022, huyện Bình Chánh tiếp nhận 72 tác phẩm tân nhạc, 109 tác phẩm cổ nhạc về Bác Hồ. “Các cuộc thi sáng tác thường xuyên được huyện và cơ sở tổ chức không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương mà hơn hết, là dịp để mỗi người dân thể hiện tình cảm sâu sắc của mình với quê hương, đất nước, với Bác Hồ kính yêu thông qua lời ca, tiếng hát”, bà Võ Thị Hoàng Oanh chia sẻ.

Ở môi trường giáo dục, mục Văn hóa nghệ thuật Hồ Chí Minh trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng của Trường Đại học Sư phạm TPHCM mang nét trẻ trung của thế hệ sinh viên ngày nay. Điểm đặc biệt, ngoài các bài hát của các nghệ sĩ mà tên tuổi đã đi theo năm tháng, trên không gian văn hóa này còn có nhiều tác phẩm âm nhạc được sáng tác theo thể loại rap do chính sinh viên của trường sáng tác và biểu diễn.

Thành ủy TPHCM đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm tuyên truyền các tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống con người TPHCM, là một trong những hoạt động góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác. 

Tin cùng chuyên mục