Âm nhạc trong phim “tụt hậu”!

Thời gian qua hàng trăm bộ phim Việt Nam đã được phát sóng trên tivi vào “giờ vàng”, ngoài nội dung thì phần âm nhạc trong phim dường như chưa được các nhà làm phim, đạo diễn quan tâm thỏa đáng? 

Hiện nay, để tìm được những ca khúc hay, ấn tượng đối với người nghe, người xem trong một bộ phim thật hiếm. Chỉ có số ít bộ phim truyền hình, điện ảnh gần đây mà phần âm nhạc trong phim đã tạo được ấn tượng cho người xem trong những bộ phim cùng tên như: Ngôi nhà hạnh phúc (ca sĩ Thủy Tiên), Bỗng dưng muốn khóc (ca sĩ Minh Thư)… còn hầu hết những ca khúc trong nhiều phim khác đều nhàn nhạt, thiếu sức sống, thiếu ấn tượng đối với người nghe nếu không nói là… dở tệ?

Hàng loạt bộ phim truyền hình đã và đang công chiếu như: Gia đình số đỏ, Cha dượng, Gió nghịch mùa, Cổng mặt trời, Thứ ba học trò, Nợ đa tình, Cô dâu đại chiến, Gieo gió, Cá Rô, em yêu anh, Long ruồi… mà phần âm nhạc trong phim thật sự không gây ấn tượng với người nghe, người xem. Rất nhiều ca khúc có ca từ hết sức nhạt nhẽo, không ăn nhập gì đối với bộ phim, còn ca sĩ thể hiện nhạc phẩm thì thiếu cảm xúc, không có hồn...?

Còn nhớ, cách đây gần 15 năm, nhiều bộ phim truyền hình không chỉ có nội dung hay, sát với đời sống xã hội, con người mà phần âm nhạc trong phim đã để lại nhiều ấn tượng, xúc động trong lòng người xem như ca khúc Giã từ dĩ vãng (trong bộ phim truyền hình cùng tên); ca khúc Chị tôi (trong bộ phim truyền hình Người Hà Nội); ca khúc Những nẻo đường phù sa (trong bộ phim truyền hình cùng tên); ca khúc Thiên đường mong manh (trong bộ phim truyền hình Đồng tiền xương máu)…

Nội dung phim và phần âm nhạc trong phim luôn gắn kết và được trau chuốt kỹ lưỡng, khi âm nhạc vang lên là khán giả biết ngay đó là nhạc phẩm của phim nào. Điều đặc biệt hơn là những ca khúc như Giã từ dĩ vãng (nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung); Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại (nhạc sĩ Bảo Phúc) trong bộ phim cùng tên hay như ca khúc Chị tôi (Trọng Đài – Đoàn Thị Tảo) trong bộ phim Người Hà Nội… đã vượt ra khỏi giới hạn của một bộ phim và trở thành những ca khúc độc lập và được khán giả rất yêu thích trong nhiều năm liền.

Có lẽ, nhiều khán giả yêu thích những bộ phim truyền hình nổi tiếng thế giới sẽ không quên được những khoảnh khắc thật sự bay bổng, lãng mạn và xúc động đến rơi nước mắt khi xem và nghe lại những ca khúc nổi tiếng một thời trong những bộ phim điện ảnh, truyền hình nổi tiếng thế giới dù nhiều bộ phim đã có thời gian trên dưới trăm năm như: Tiếng chim hót trong bụi mận gai (ca khúc Anywhere the heart goes); Cuốn theo chiều gió (ca khúc Gone with the wind); Người đàn bà đẹp (ca khúc It must have been love); Titanic (ca khúc My heart will go on); Aladdin (ca khúc A whole new world); Notting hill (ca khúc When you say nothing at all)… hay như Trung Quốc, họ có những bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Hồng Lâu Mộng; Tây Du Ký mà khi bật tivi từ trẻ em đến bất cứ ai cũng có thể biết ngay ca khúc đó là trong phim bộ phim nào…

Thiết nghĩ, để phần âm nhạc trong những bộ phim điện ảnh, truyền hình hiện nay được hay hơn, hấp dẫn hơn thì ngoài sự đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng đối với nội dung phim thì nhất thiết phải trau chuốt kỳ công cho phần âm nhạc. Một ca khúc hay trong phim không thể được thể hiện bởi một giọng hát vô hồn.

Nguyễn Đước

Tin cùng chuyên mục